Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ giảm 13%

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/05/2018 16:25 GMT+7

Tại phiên họp thứ 24 chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc đã biểu quyết thống nhất phương án mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021 với mức giảm 13% so với giai đoạn 2016 - 2018.

Tại phiên họp, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện cơ chế tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do nhà nước quy định tới hết năm 2020.
Từ năm 2021, khi nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương thì sẽ thực hiện theo chế độ tiền lương mới.
Chế độ tiền lương bằng 1,8 lần đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành BHXH được thực hiện từ năm 2016, theo Nghị quyết 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015, về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 20-16-2018 và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.
Báo cáo thẩm tra nội dung Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021, do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình tại phiên họp, nêu quan điểm: việc áp dụng mức chi tiền lương bằng 1,8 lần đã tạo điều kiện khuyến khích, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng kể trên.
Theo đó, mức bình quân thu nhập toàn ngành BHXH giai đoạn 2016 - 2018 đạt 8,86 triệu đồng/người/tháng (giai đoạn 2012 - 2015 bình quân 7 triệu đồng/người/tháng).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện cơ chế tiền lương bằng 1,8 lần quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành bảo hiểm xã hội, theo đề xuất trên của Chính phủ.
Về mức chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN giai đoạn 2019 - 2021, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết thống nhất phương án mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH, BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH). Bình quân giai đoạn này bằng 2% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN, giảm 13% so với giai đoạn 2016 - 2018.
Dự báo chưa sát thực tế
Đáng chú ý, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại phiên họp cũng cho thấy, kết quả thực hiện chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định, nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến chi phí quản lý được Chính phủ trình. Cụ thể, năm 2016 tăng 6,2% (612 tỉ đồng); năm 2017 tăng 13% (1.385 tỉ đồng); dự kiến năm 2018 tăng 21% (2.403 tỉ đồng).
"Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong luật BHXH 2014", bà Thúy Anh cho hay.
Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, khi xây dựng nhu cầu chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018, chưa có dự báo một số chi phí lớn để triển khai một số nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội. Một số nội dung chi được dự toán chưa sát, có sự chênh lệch lớn, BHXH Việt Nam phải sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.
Từ đó, Ủy ban các vấn đề xã hội đề xuất Chính phủ rà soát các thông tin về dự báo phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng dự báo không sát với khối lượng công việc thực tế; cân nhắc bổ sung dự báo về các yếu tố có tác động lớn tới thu, chi BHXH, BHTN gắn với định hướng cải cách chính sách tiền lương, cải cách BHXH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.