Chị qua đời, nhưng thơ chị còn lại

07/07/2023 07:24 GMT+7

Sáng 6.7.2023, hay tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời, nỗi buồn đậm đặc trong tôi.

Nói tới Mỹ Dạ là phải nói ngay tới thơ của chị. Khi đọc lại những bài thơ tưởng đã quen của nữ thi sĩ Mỹ Dạ, tôi chợt ngạc nhiên. Chị làm thơ dễ dàng hơn tôi tưởng, mà cũng vất vả hơn tôi tưởng. Chị còn phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều. Nếu trên thế giới này có những "người đàn bà hát", thì tôi nghĩ, cũng có không ít những "người đàn bà thơ". Một trong những "người đàn bà thơ" ấy là Mỹ Dạ.

Chị qua đời, nhưng thơ chị còn lại - Ảnh 1.

"Khi nào em còn thở
Ngày sinh còn ra đi
Đến tận cùng ngày chết
Như một khoảng lạ kỳ

Ngỡ như ta đã sống
Ở thế giới nào kia
Yêu trái đất ghé lại
Rồi ngày mai xa chia"

(Hái tuổi em đầy tay)

Thơ Mỹ Dạ chinh phục ta không phải bằng vẻ lạ lẫm tân kỳ, mà bằng những bất ngờ quen thuộc. Thì cuộc sống vẫn vậy, quen mà lạ, lạ mà quen, cứ ngỡ ta gặp ở đâu đó rồi, nhớ mãi lại chẳng ra. Tôi thấy thơ Mỹ Dạ rất buồn, buồn hơn cả cuộc đời có thể thật buồn mà chị đã sống:

"Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng"

(Tặng nỗi buồn riêng)

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Rạng sáng 6.7, bà qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian mắc bệnh Alzheimer.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là hội viên Hội Nhà văn VN từ năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), ủy viên BCH Hội Nhà văn VN khóa III và IV.

Bà từng đoạt các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1971 - 1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn VN cho tập thơ Bài thơ không năm tháng; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 2007, bà được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983) và Đề tặng một giấc mơ (1988).

Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, phát hành tại Mỹ.

Lễ viếng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu từ 15 giờ ngày 6.7; lễ tiễn biệt diễn ra lúc 7 giờ 30 ngày 9.7. Linh cữu quàn tại chung cư Samland (lầu 10, phòng 5), 178/6 Nguyễn Văn Thương, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. 

Th.A

Ngày mới quen Mỹ Dạ, tôi cứ ngỡ chị là người sống tươi vui và đơn giản. Có như vậy thật, trong con người hằng ngày của Mỹ Dạ thường trực một vẻ hồn nhiên bẩm sinh, một lòng tốt tự nhiên và nhiều khi trang trải ra không khách sáo. Nhưng thơ Mỹ Dạ lại phát hiện một con người khác của chị, đầy những khắc khoải, lo âu, đầy nữ tính. Không phải cứ nhà thơ nữ là làm thơ đầy nữ tính đâu. Nhưng tôi có cảm giác, "người đàn bà thơ" nào mà thơ đẫm chất đàn bà, người ấy thường khổ, từ khổ tâm tới khổ đời. Mỹ Dạ khi làm thơ, là một người phụ nữ khổ như vậy. Còn nhớ, cách nay đã ngót 30 năm, một lần khi về thăm chơi với bạn bè Quảng Ngãi, Mỹ Dạ nói với tôi: "Em sang Sơn Tịnh xem bói, có một ông thầy giỏi lắm, ông ấy nói em sẽ chết trước anh Hoàng Phủ Ngọc Tường". Tôi đâu có tin, vì lúc ấy Mỹ Dạ rất tươi vui, anh Tường cũng chưa bị đột quỵ, nói chi chuyện buồn chưa biết thế nào ấy làm gì.

Nhưng Mỹ Dạ là nhà thơ nữ đầy linh cảm, mà thơ càng nhiều linh cảm, thì càng thấy trước cái "ngày mai chia xa" của mình. Bây giờ, sự thật đúng là như vậy.

Nhiều năm nay, gia đình Mỹ Dạ đã vào sống tại TP.HCM. Cũng khá nhiều năm rồi, Mỹ Dạ không còn khỏe mạnh và tươi vui hồn nhiên nữa. Chị vướng phải một căn bệnh quái ác, mất dần trí nhớ. Đó là nỗi đau không gì tả nổi với một nhà thơ tài năng như Mỹ Dạ.

Tôi thử lật tình cờ một bài thơ của Mỹ Dạ trong tuyển tập thơ của chị, và gặp bài này:

Nhỏ bé tựa búp bê
Làm sao anh đủ sâu
Cho em soi hết bóng

Làm sao anh đủ rộng
Che mát cho đời em

Làm sao anh đủ cao
Để thấy em cho hết…

Cuộc đời bao nhọc mệt
Cuộc đời bao dịu êm
Người đàn bà bước lên
Người đàn bà lùi lại

Này tôi ơi, có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé
Nhỏ bé tựa búp bê
Mới dễ dàng hạnh phúc?

Thơ phải thật sự giản dị mà đầy thân phận như thế, mới là thơ. Một bài thơ ngắn ngủi gọi mời ta đi hết, trải hết một đời người, nó khiến những người đàn ông tự lùi lại, tự biết mình khi muốn thành một chỗ dựa, một cái cây hay một giếng nước cho cuộc đời một ai đó. Bài thơ nhỏ đặt một câu hỏi không hề nhỏ: rằng có phải cứ "Nhỏ bé tựa búp bê/Mới dễ dàng hạnh phúc?", hay phải khác?

Mỹ Dạ đặt cho ta câu hỏi ấy từ góc độ một người phụ nữ bình thường nhưng không hề bình thường, một người phụ nữ làm thơ, một-người-đàn-bà-thơ, không chỉ khát khao mà còn tự biết giá trị của mình, không chỉ khiêm nhường mà còn kiêu hãnh.

Nhưng, hơn bất cứ nghệ thuật nào, thơ mở cho ta những cánh cửa bất ngờ vào mê cung của tâm hồn, những cánh cửa mà nhiều khi chìa khóa đã bị mất:

"Nếu biển đau, mong chi người chia sẻ
Vết thương kia xin trả lại ta nào
Sóng trắng xóa vỗ vào bờ nhè nhẹ:
Ta mặn lắm rồi người không hiểu ta sao?"

(Với biển)

Đó là một cách "với biển" mà chỉ Mỹ Dạ có, nửa hồn hậu nửa điên khùng, nửa muốn sẻ chia mà nửa tuyệt vọng. Còn đây là một cái tổ chim:

"Lặng im đến lạ lùng
Từng cọng rơm, cọng cỏ
Lặng im như run lên
Cái tổ chim bé nhỏ"

(Cái tổ chim)


Chị qua đời, nhưng thơ chị còn lại - Ảnh 4.

Một ngày bỗng nhớ một ngày

Em xõa tóc chờ mong
Thuở lên đồi hái trái
Từ đó giữa đời anh
Có mùi hoa cỏ dại

Hái cành hoa thạch thảo
Của những ngày thu xưa
Còn chút gì giữ lại
Của cơn gió đầu mùa

Nơi ấy hoa chạc chìu
Nở trên đồi bom lửa
Từ một lần thương yêu
Trắng ngần trong nỗi nhớ

Chiều năm nọ anh đi
Chào em trên đồi gió
Người về đôi môi đỏ
Bài hát xa muôn trùng

Nhiều lần anh hỏi Dạ
Em có được vui lòng
Bên đời anh rất nhỏ
Giữa cuộc đời riêng chung

Nhiều khi anh chợt nghe
Dù không còn trẻ mãi
Một nỗi lòng say mê
Của tình yêu thơ dại

Hỡi mùi tóc chiêm bao
Ta nhớ người như thế
Hỡi ngọn đồi trăng sao
Ta xa người đến thế

Còn đấy không, vầng tóc xanh bối rối
Dấu môi nào cắn trái trên đồi kia
Mà anh nghe xôn xao chiều gió nổi
Hương của loài hoa núi ấy bay về.

Hoàng Phủ Ngọc Tường (tháng 9.1975)

Bài thơ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết năm 1975, sau ngày cưới 2 năm, dành tặng vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, vào thời điểm chị Mỹ Dạ bế con gái đầu lòng trong tấm ảnh.

(H.H)


Sự mỏng manh luôn được nhắc tới, nhấn lại nhiều lần trong thơ Mỹ Dạ, nó vừa như một cảm nhận vừa như một cảnh báo: không chỉ một tổ chim, không chỉ một con chim non, mà cả con người, cả tình yêu, cả hạnh phúc nhiều khi cũng rất mong manh. Đó là một cảm giác mà người phụ nữ, nhất là người phụ nữ làm thơ vẫn thường trực có, nó trĩu nặng ở ngay lúc con người thường lơ đãng bỏ qua, nó nhắc nhớ ngay khi ta hay quên lãng:

"Con ơi mẹ nhìn con ngủ
Biết thời con gái kề bên
Rồi mai phút nào cay cực
Mẹ có còn mà gọi tên"

(Một thời con gái)

Khi tôi hỏi nhà thơ nữ Ý Nhi, thơ buồn nhiều hay vui nhiều, chị Ý Nhi nói thẳng: "Thơ không buồn thì đâu phải là thơ!". Câu nói của nhà thơ nữ Ý Nhi quá đúng với thơ Mỹ Dạ.

Thơ có lúc vui lúc buồn, nhưng thơ của "người đàn bà thơ" Lâm Thị Mỹ Dạ thì còn đồng hành, còn chia sẻ với quá nhiều những thân phận phụ nữ Việt Nam, từ chiến tranh cho tới hòa bình.

Vĩnh biệt chị Lâm Thị Mỹ Dạ, một nữ nhà thơ lớn của thi đàn hiện đại Việt Nam!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.