Chỉ số phát triển giới của Việt Nam trong nhóm cao nhất thế giới

Thu Hằng
Thu Hằng
12/11/2021 18:23 GMT+7

Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia có chỉ số phát triển giới ở mức cao và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới . Kết quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực có những chuyển biến tích cực.

Thông tin trên được Bộ LĐ-TB-XH cho biết tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 12.11.

Việt Nam cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

UN WoMEN

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2016 đến nay, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự hưởng ứng, của toàn xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao hơn 3,46% so với khóa XIV và cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây. Nhiều bộ, ngành lần đầu tiên có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Kết quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đều có những chuyển biến tích cực.

Chỉ số phát triển giới ở mức cao, đưa Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, việc ban hành Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với công tác truyền thông về bình đẳng giới.

Hai năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn. Trong các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 được Việt Nam ban hành trong thời gian qua, phụ nữ và trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do Covid-19... góp phần ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

“Để giải quyết bất bình đẳng giới tại Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội, công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái,” bà Hà chia sẻ.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15.11 - 15.12 nhằm kêu gọi tất cả các bên liên quan và người dân hưởng ứng, triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy bình đẳng giới.

Ông Kidong Park, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, khẳng định Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.