Làm lại cuộc đời
Tên đầy đủ của chị là Trương Thị Hồng Tâm.Chị chưa bao giờ giấu giếm quá khứ làm gái mại dâm, nghiện ma túy, trộm cắp… của mình. Suốt 10 năm sau giải phóng, chị thường xuyên trốn ra, rồi lại được đưa vào trường trại cai nghiện, phục hồi nhân phẩm. Trải qua quãng đời sáng - tối đan xen đó, chị thấu hiểu sự vật vã đấu tranh với bản thân và với “cơm áo gạo tiền” của những người lầm lỡ muốn hoàn lương. Và đây là những dòng hồi ký đang viết dở dang của chị: “Ai cũng có thể nói tốt được hết nhưng khi đụng thực tế thì rất khó. Tôi cũng muốn sống tốt, nhưng vốn liếng lấy đâu ra? Nhà cửa thì không có, giấy tờ cũng không, làm sao sống tốt cho được? Tôi đâu muốn mình làm người xấu, cũng đâu muốn bị bắt vào trường cải tạo hoài…”. Khoảng năm 1990, chị được một nhóm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Q.1, TP.HCM kiên trì đeo bám, thuyết phục chị tham gia nhóm. Lại đắn đo. Giằng xé. Rồi cuộc đời cũng được lật hẳn sang trang mới. Chị Tâm nhớ lại: “Mỗi buổi tối, tôi thường đi tiếp cận tại khu vực mà trước đây tôi từng kiếm cơm. Nhóm bạn mại dâm hễ thấy tôi đi tuyên truyền về si-đa là họ xầm xì bàn tán. Họ bảo, tôi hết thời làm đĩ mới đi làm si-đa. Có người so sánh làm gái kiếm cả trăm ngàn một đêm, trong khi nghề của tôi bấy giờ cả tháng nói khô cổ họng mới được 300 ngàn đồng...”. Tuy nhiên, cũng có một số người khác bày tỏ ước muốn được như chị. Họ muốn có cơ hội làm lại cuộc đời nhưng sao khó quá! Chị Tâm không chỉ dùng lời động viên mà còn tìm mọi cách giúp họ mưu sinh bằng nghề lương thiện.
Tháng 3.1995, chị “mừng đến phát run” khi nhận được số tiền 2 triệu đồng do bạn đọc một tờ báo giúp đỡ. Chị kể: “Nhận tiền xong, tôi… đau đầu lắm! Cuộc sống thiếu trước hụt sau, tính mua cái này, sắm cái kia cho “đã đời”. Cũng định mua chiếc xe đạp tốt tốt một chút để đi công tác đỡ mệt... Nhưng lại nghĩ, tiền người ta cho mình, mình phải làm điều gì đó cho có ý nghĩa”. Bỗng nhiên, chị nhớ đến những cô gái mại dâm sống vạ vật ngoài đường. Chị nhớ khao khát cháy bỏng của họ là mong có được cuộc sống bình thường, có được chốn đi về. Không ngần ngại, chị quyết định dành trọn số tiền ấy để thực hiện dự án “Ngôi nhà giúp tự giúp” để cho 7 cô gái trẻ chuyển sang nghề cắt củ kiệu ở chợ Cầu Muối. Sau giờ tiếp cận, chị Tâm rủ bạn bè ghé vựa kiệu, vừa phụ cắt vừa kể chuyện vui cho các cô quên mệt mỏi. Dần dà, các cô thạo việc và bắt đầu sống tự lập. Trừ 1 người chết và 1 người “quay về đường cũ”, 5 cô gái ngày trước hiện đã có cuộc sống tương đối ổn. Nhắc đến họ, chị Tâm luôn cười rạng ngời, tự hào cho cái “sự liều” của mình.
Chị Trương Thị Hồng Tâm (áo xanh, giữa) trong một lần tiếp cận |
Hơn nửa cuộc đời, chưa có chứng minh thư
Nếu ai hỏi tuổi, chị Tâm nói ngay mình sinh năm 1956. Nhưng khi “dấn” tiếp, đề cập đến lai lịch quê quán, sẽ thấy chị thoáng nét ưu tư: “Mình sanh ở làng Bình Trưng, Q.Thủ Đức, tỉnh Gia Định; nay chuyển thành Q.2, TP.HCM. Sau đó, lưu lạc tứ phương, chẳng biết đâu là quê hương…”. Có lẽ, chỉ những người hơn nửa cuộc đời (hoặc cả đời!) không có giấy tờ tùy thân như chị mới thấm thía nỗi khó nhọc khi thốt ra vài dòng có vẻ giản đơn ấy. Đã không ít lần, chị được công an đến “hỏi thăm” chứng minh thư trong lúc chị đang tỉ tê trò chuyện, phát bao cao su cho gái mại dâm. Chị đưa thẻ hành nghề và cố sức giải thích mình là nhân viên công tác xã hội. Ai tin chị, nhất là lần đầu gặp mặt? Thế là chị được “mời” về trụ sở công an phường làm giải trình, rồi nhờ người bảo lãnh… Cũng vì thiếu giấy tờ tùy thân mà chị còn gặp muôn vàn khó khăn lúc đi xin việc hoặc khi thuê nhà, xin cho con nhập học…
Giữa năm 2008, chị Tâm trở lại Q.2 để nhờ trích lục giấy khai sinh cho chị. Một nhân viên hỏi cắc cớ: “Chị có chứng minh nhân dân, có sổ hộ khẩu không? Nếu không có, không tìm được đâu!”. May thay, câu chuyện một nhân viên công tác xã hội không có giấy tờ tùy thân như chị đã đến tai ông Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài. Khi chị đưa ra công văn của ông Tài, nhân viên nói trên mới tích cực lục tìm. Có được giấy khai sinh, chị sung sướng tưởng mình gần chạm đến tấm giấy chứng minh nhân dân bao tháng ngày “hành” chị. Nhưng đã 1 năm trôi qua, cán bộ phường nơi chị đang tạm trú (thuộc Q.Gò Vấp) chỉ hứa và... hứa xem xét.
“Tài sản mình không có, đến mảnh giấy chứng minh mình là một công dân cũng không có nốt! Đôi khi nghĩ thấy tủi thân lắm…” - giọng chị Tâm chùng xuống.
Mẹ của hàng chục đứa trẻ
“Ba má tôi chia tay trong lúc đứa nhỏ nhất còn nằm trên võng, chưa biết ăn. Ba bỏ nhà đi theo dì ghẻ. Má tôi ghen quá hóa bệnh… Tự nhiên chị em tôi thành bơ vơ! Ngày ngày tôi đi ăn cắp cơm hàng xóm, riêng thằng em út khát sữa, khóc đến lả người...”. Những hồi ức buồn của tuổi thơ không - hơi - ấm - mẹ - cha khiến chị dành tình thương đặc biệt cho những đứa trẻ mồ côi. Thời chị cùng phụ trách nhà Hy vọng (thuộc chương trình Trẻ em Thảo Đàn, TP.HCM) cách đây hơn 10 năm, chị đã xem hàng chục đứa trẻ đường phố nhiễm HIV như con ruột của mình. Các con đi chơi đêm, chị đi ra đi vào càm ràm. Con về, chị trách móc, la mắng đủ điều. Có những người không hiểu, nói chị đối xử khắt khe quá. Từ năm 2004, chị Tâm thuê nhà riêng để tiện chăm sóc những trẻ nhiễm HIV, trẻ mắc căn bệnh hiểm nghèo. Trong đó, có một số trẻ đã trưởng thành, sống tự lập. Hiện chị nuôi 5 đứa trẻ tuổi từ 6-12, học lớp 1 và lớp 2. Ai cũng khen chị khéo dạy con, đứa nào cũng ngoan hiền... Câu chuyện giữa chị và chúng tôi cuối cùng lại quay về căn bệnh chị có nguy cơ mắc phải. Chị nhắn nhủ: “Cho phép tôi không nêu cụ thể loại bệnh gì. Chỉ nói là bệnh hiểm nghèo”.
Gần đây chị mới nghi ngờ mình nhiễm căn bệnh này ạ?
Chị Tâm: Vừa rồi thấy người bết bát quá, tôi đi xét nghiệm thì kết quả dương tính! Bác sĩ phỏng đoán tôi đã mắc bệnh này ba năm nay. Nhưng tôi vẫn hy vọng - dẫu rất mong manh- vào lần xét nghiệm tháng 8 tới để biết chắc chắn kết quả …
Trăn trở, kinh nghiệm của chị trong việc tiếp cận, hỗ trợ trẻ đường phố và gái mại dâm?
Cá nhân tôi cho rằng, không nên nhúng tay quá sâu vào cuộc đời các em. Chỉ nên giáo dục hoặc cai nghiện xong là đưa về hồi gia, trừ một số trường hợp đặc biệt mới cưu mang. Đối với chị em từng làm gái mại dâm, tôi mong họ được học những loại nghề xã hội cần. Thử hỏi, ở những thành phố lớn mà dạy đan lát, dệt chiếu... thì làm sao kiếm được việc làm? Mặt khác, nếu địa phương không tạo điều kiện cho họ thì những công đoạn trước dễ thành “trớt qướt”. Đói thì đầu gối phải bò.
Chị có buồn vì không có con ruột, chỉ toàn con nuôi?
Cuộc đời tôi “xấu hoắc”, có cha có mẹ cũng như không; rồi làm gái, nghiện ma túy… Tôi không có nhà cửa; đẻ con ra sợ chúng nó khổ. Đến khi mình nằm xuống, lại để gánh nặng cho xã hội.
Tôi sanh đẻ lần nào đâu mà có ranh giới con ruột, con nuôi? Tôi và những đứa con này gặp nhau như duyên nợ, toàn những cuộc đời đau khổ, nương tựa nhau mà sống. Có mình tụi nó vui, có tụi nó mình vui!
Chị có quá lo sợ nếu kết quả xét nghiệm lần nữa không như mong muốn?
Tôi không sợ chết. Có điều, căn bệnh đến với mình bất ngờ quá nên bị suy sụp. Không ai bên cạnh để an ủi ngoài mấy đứa nhỏ nên tôi càng bấn loạn. Bây giờ, tinh thần tôi đã khá hơn. Tôi chỉ lo sợ nếu mình ra đi đột ngột, các con tôi phải mồ côi thêm một lần nữa.
Những ngày này, một số blog, trang web quyên góp giúp mẹ con chị Tâm. Những bà mẹ trang web tretho, nhóm tình nguyện HHF... hỗ trợ hơn 8 triệu đồng và một số vật dụng. Trong đó, có một món quà quý - quyển sách Yêu và chết (Loving and Dying) của tỳ kheo Visuddhàcàra. Chị Tâm cho hay, quyển sách nâng đỡ tâm hồn, giúp chị có thể mỉm cười đón nhận cái chết nếu nó đến sớm. Đơn giản, vì chị đã sống hết lòng trong cuộc đời này!
Bài & ảnh: Như Lịch
Bình luận (0)