Gói 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất triển khai cả năm nay nhưng vẫn “nghẽn” chưa có lối ra thì thị trường lại "choáng" khi một số ngân hàng (NH) công bố gói 50.000 tỉ đồng dành cho bất động sản. Chưa hết, một số NH khác cũng đã cam kết dành khoảng 70.000 tỉ đồng cho bất động sản.
Tính sơ sơ 3 gói trên đã lên tới 150.000 tỉ đồng. Trong khi theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho bất động sản (BĐS) tính đến cuối tháng 2.2014 vào khoảng 92.690 tỉ đồng. Nếu những con số trên là chính xác thì nguồn vốn đang "sẵn sàng" bơm ra dư sức để giải phóng lượng tồn kho của thị trường BĐS. Nhưng đó chỉ là xét về mặt định lượng. Còn trên thực tế, thị trường vẫn chưa thể hứng khởi sau những công bố trên. Điều này cũng dễ hiểu nếu nhìn vào kết quả của gói 30.000 tỉ đồng hiện nay. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 2 vừa rồi, tỷ lệ giải ngân gói này mới chỉ đạt khoảng 4% tổng giá trị. Một tỷ lệ quá thấp so với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hiện nay. Nút thắt của nghịch lý có nhà, có tiền, có nhu cầu nhưng không thể kết nối được vẫn là các vướng mắc cũ. Người đủ điều kiện mua thì thiếu điều kiện vay, chỗ đáp ứng yêu cầu tín dụng thì lại chưa có căn hộ thuộc diện được vay ưu đãi... Cứ tháo được cái nọ thì lại vướng cái kia. Đề xuất cho thế chấp nhà hình thành trong tương lai của Bộ Xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cho thị trường, đặc biệt là những đối tượng được vay ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng cũng đang gặp cản trở vì nhiều ý kiến lo sợ rủi ro. Nhưng để an toàn, NH "đòi" thế chấp, còn khách hàng, đặc biệt là những người thuộc diện mua nhà chính sách thì lấy đâu ra tài sản để đáp ứng yêu cầu của nhà băng? Thế là cái vòng luẩn quẩn, lại tiếp tục.
Gói 30.000 tỉ đồng "nghẽn" thủ tục, người ta kỳ vọng gói 50.000 tỉ đồng được xây dựng theo hình thức kết nối giữa NH, các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng sẽ thông thoáng hơn, sẽ tạo ra nguồn cung với giá hợp lý hơn và việc tiếp cận vốn (dù lãi suất không ưu đãi) cũng dễ thở hơn. Nhưng chỉ sau 3 ngày ra mắt, gói này đang gây hoang mang cho dư luận khi một số NH được công bố có tham gia lại cho biết, họ mới chỉ nghe nói tới gói này chứ chưa hề có cam kết gì... Vậy giá trị của gói 50.000 tỉ đồng nói trên, liệu có thật ? Câu trả lời, chắc chắn rồi sẽ phải có nhưng dù sự thật thế nào thì những thông tin thiếu chính xác nói trên sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người mua.
Với quyết tâm của Chính phủ, sự cộng hưởng của các điều kiện về lãi suất, giá nhà đất, nỗ lực từ chính sách, từ nhiều chủ đầu tư... thị trường BĐS những tháng đầu năm nay đã có những tín hiệu tích cực. Tồn kho giảm, thanh khoản tăng cả ở phân khúc cao, trung và giá rẻ. Tất cả đang kỳ vọng, đây sẽ là thời điểm BĐS bứt ra khỏi "giấc ngủ đông" kéo dài nhiều năm; từ đó kích hoạt các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu, trang trí nội thất... Nhưng để làm được điều này, chỉ tiền thôi chưa đủ. Nó phải là niềm tin được xây dựng và thực hiện thông qua các chính sách nhất quán, thực thi nhanh, tối giản thủ tục hành chính, uy tín của chủ đầu tư qua chất lượng công trình... Có như vậy, mới nên hy vọng.
Nguyên Khanh
>> Triển khai gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản
>> Gói 30.000 tỉ đồng chỉ mới giải ngân được 1.322 tỉ đồng
>> Khan hiếm nguồn cung nhà ở cho gói 30.000 tỉ đồng
>> Sẽ thêm nhiều đối tượng được vay gói 30.000 tỉ đồng
Bình luận (0)