Tại sao chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lên mức kỷ lục?

Văn Khoa
Văn Khoa
24/04/2023 06:46 GMT+7

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, trụ sở Thụy Điển) hôm nay 24.4 cho hay chi tiêu quân sự thế giới trong năm 2022 đã tăng 3,7%, theo giá trị thực tế, lên 2.240 tỉ USD.

Trong báo cáo được công bố hôm nay, SIPRI đánh giá chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022, do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy mức tăng chi tiêu hằng năm lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, theo Reuters.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bắt đầu vào ngày 24.2.2022 sau nhiều năm căng thẳng, đã khiến các nước châu Âu gấp rút tăng cường phòng thủ.

Vì sao chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lên mức kỷ lục? - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine khai hỏa lựu pháo D30 ở tiền tuyến gần thành phố Bakhmut thuộc miền đông Ukraine ngày 23.4

Reuters

Chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng 13% vào năm ngoái, chủ yếu là do sự gia tăng của Nga và Ukraine. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên khắp lục địa này cũng tăng cường ngân sách quốc phòng và lên kế hoạch tăng thêm, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

"Điều này bao gồm các kế hoạch tăng chi tiêu nhiều năm từ một số chính phủ. Kết quả là chúng ta có thể dự đoán một cách hợp lý rằng chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới", nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI Diego Lopes da Silva cho hay.

Tại sao chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lên mức kỷ lục

Chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640% trong năm 2022, mức tăng hằng năm lớn nhất được ghi nhận trong dữ liệu của SIPRI kể từ năm 1949. Con số này không bao gồm số lượng lớn viện trợ quân sự tài chính do phương Tây cung cấp cho Ukraine.

SIPRI ước tính rằng viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2022. Dù Mỹ là quốc gia chi tiêu hàng đầu thế giới cho đến nay nhưng tổng chi tiêu của nước này chỉ tăng nhẹ, tính theo giá trị thực tế.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2%, dù SIPRI thừa nhận các số liệu "rất không chắc chắn do sự thiếu minh bạch ngày càng tăng của các cơ quan tài chính" kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Reuters.

"Sự khác biệt giữa kế hoạch ngân sách của Nga và chi tiêu quân sự thực tế của nước này vào năm 2022 cho thấy chiến dịch quân sự ở Ukraine đã gây tổn thất cho Nga nhiều hơn so với dự tính", Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI Lucie Beraud-Sudreau bình luận.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với bình luận trên từ phía SIPRI.

Lính Ukraine phải gọi FaceTime sĩ quan phương Tây để học cách dùng vũ khí?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.