Chỉ tiêu tăng, mức độ cạnh tranh lớp 10 có giảm?

Bích Thanh
Bích Thanh
22/04/2022 07:03 GMT+7

Mức độ cạnh tranh vào l ớp 10 các trường công lập tại TP.HCM năm học mới sẽ như thế nào và học sinh cần chọn nguyện vọng ra sao cho phù hợp?

Áp lực cạnh tranh tùy theo khu vực

Bảng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM mới công bố cho thấy năm học 2022 - 2023, 114 trường THPT công lập tuyển 72.784 học sinh (HS). So sánh với năm học 2021 - 2022 thì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT năm nay tăng gần 4.780 HS.

Cụ thể, trong số 114 trường thì có 57 trường tăng, 17 trường giảm chỉ tiêu so với năm trước. Những trường tăng chỉ tiêu nhiều nhất là Trường THPT Phong Phú, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) với lần lượt 360 và 275 HS, THPT An Nhơn Tây (H.Củ Chi) với 270 HS, THPT Marie Curie (Q.3) với 200 HS, THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) với 135 HS… Còn lại các trường giảm chỉ tiêu thì chủ yếu chỉ giảm đi một lớp với khoảng 45 HS.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM). Đây là một trong những trường THPT có chỉ tiêu cao tại TP.HCM.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù tổng chỉ tiêu toàn TP tăng nhưng ở riêng từng khu vực quận, huyện mức độ chênh lệch cũng khác nhau. Chẳng hạn, mùa tuyển sinh năm học trước, Trường THPT Marie Curie (Q.3) giảm 265 chỉ tiêu đã tác động không nhỏ đến độ cạnh tranh của HS lớp 9 ở Q.3 và khu vực lân cận. Năm nay, các trường THPT: Marie Curie, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Diệu, Lê Thị Hồng Gấm cũng tăng chỉ tiêu. 5 trường THPT ở Q.3 sẽ tuyển nhiều hơn năm 2021 khoảng 445 chỉ tiêu.

Khu vực có mức độ tăng chỉ tiêu cao nhất thuộc về H.Bình Chánh. Toàn bộ 7 trường THPT ở huyện này đều tăng chỉ tiêu và tuyển nhiều hơn năm học trước tổng số 1.375 HS. Tương tự là các trường THPT tại H.Củ Chi như: Củ Chi, An Nhơn Tây, Trung Phú, Quang Trung… cũng đồng loạt tăng với tổng số 710 chỉ tiêu.

Nên chọn nguyện vọng ra sao ?

Từ những con số thống kê nói trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), nhận định sở dĩ năm nay tổng số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tăng do số HS lớp 9 cũng tăng (ảnh hưởng của năm sinh 2007, được dân gian quan niệm là năm Heo vàng). Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng nhưng vẫn giữ ổn định theo nguyên tắc phân luồng với tỷ lệ 70% HS học lớp 10 công lập. Vì vậy, khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh tăng, mức độ cạnh tranh có thể nhẹ nhàng hơn nhưng sẽ tùy thuộc theo khu vực, áp lực cạnh tranh sẽ thay đổi.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, dù mức độ cạnh tranh có thể biến động nhưng mặt bằng điểm chuẩn và năng lực để đăng ký nguyện vọng vào các tốp trường sẽ không đổi. Đương nhiên, với những trường THPT tốp đầu như Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), Gia Định (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Bùi Thị Xuân (Q.1), Trần Phú (Q.Tân Phú), Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), dù chỉ tiêu tăng hay giảm thì để tự tin đăng ký nguyện vọng 1, thí sinh phải có học lực giỏi ổn định, có điểm trung bình môn từ 8,5 trở lên.

Tương tự, bà Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), cho hay việc tư vấn cho HS lớp 9 đăng ký nguyện vọng phù hợp tùy thuộc vào mặt bằng học lực chung của HS mỗi trường. Không phải HS nào cũng có thể coi việc lựa chọn nguyện vọng 1 là “cuộc chơi”, đặc biệt với những trường THPT thuộc tốp đầu. Thực tế, với những trường này thì chỉ khoảng 10 - 15% HS giỏi thực sự mới nên thử sức.

Cũng theo bà Thiên Ân, với HS Trường THCS Thanh Đa, dựa vào mặt bằng chung năng lực của HS lớp 9 đồng thời căn cứ vào điều kiện sinh sống, di chuyển của HS, giáo viên tư vấn cho HS lựa chọn những trường như Trường THPT Thanh Đa, Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh) hay trường khu vực lân cận là THPT Hiệp Bình (TP.Thủ Đức). Tuy nhiên, bà Ân nói thêm HS cũng không nên chủ quan vì dù các trường THPT tăng chỉ tiêu nhưng số HS lớp 9 năm nay cũng tăng do năm sinh “Heo vàng”.

Với tỷ lệ phân luồng 70% HS học THPT công lập và 30% HS học các mô hình trường lớp khác phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp như học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng TP đảm bảo điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất cho HS. Dù lựa chọn hướng đi nào sau khi hoàn thành bậc THCS thì HS đều có thể phát triển đầy đủ, như nhau trong quá trình học tập. Khi theo học các mô hình học tập nói trên HS vừa được giảng dạy chương trình THPT vừa được đào tạo nghề. Sau khi tốt nghiệp, HS sẽ có bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề, tiếp tục lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho giai đoạn tiếp theo.

Ông Minh cũng lưu ý, trong quá trình tư vấn, các trường THCS không để xảy ra chuyện ép HS phải học nghề, học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hay học THPT ngoài công lập. Giáo viên chủ nhiệm là người nắm rõ nhất năng lực của HS để tư vấn phụ huynh, HS chọn nguyện vọng dựa trên năng lực, nhu cầu mong muốn và điều kiện gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.