|
So với các Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) ở nhiều tỉnh, thành phố khác, TTGTVL của Hà Nội được tổ chức khá văn minh, hợp lý. Người đến làm thủ tục chi trả BHTN được tự động chỉ dẫn đến bộ phận giải quyết theo đúng thứ tự. Vì thế, không có cảnh xếp hàng, chen lấn như thường thấy ở một số tỉnh, thành khác.
Tuy vậy, những tháng gần đây, lượng người đến làm thủ tục chi trả BHTN tăng nhanh khiến hoạt động của TT này có dấu hiệu quá tải.
Theo ông Lê Hải Anh, Phó trưởng phòng chi trả BHTN Hà Nội, năm 2010 mới có 3.662 người nhưng đến khoảng giữa tháng 9.2014 đã có gần 23.000 người đến làm thủ tục. Số người được giải quyết, nhận quyết định để hưởng BHTN đến giữa tháng 9.2014 cũng đã lên tới gần 23.000.
Cũng theo ông Hải Anh, các tháng gần đây, tại Hà Nội có một số doanh nghiệp sa thải lao động quy mô lớn, khiến người đến làm thủ tục BHTN gia tăng. Ví dụ Công ty TNHH May Mặc Maccallan (H.Chương Mỹ) trong tháng 8 cho nghỉ việc gần 500 lao động; Công ty Liên doanh khách sạn vườn Bắc Thủ Đô chấm dứt hợp đồng một lúc 50 lao động; Chi nhánh TCT Liên Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinaconmin cho nghỉ việc 60 công nhân.
“Có một số nguyên nhân khác làm người đến làm thủ tục BHTN tăng lên nhiều do nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu nên có cắt giảm lao động như các đơn vị thuộc các tập đoàn Vinashin, Vinalines tại Hà Nội. Hoặc những doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Công ty TNHH Canon, Công ty TNHH Panasonic VN…, có chính sách chỉ tuyển lao động tuổi còn trẻ, đến độ tuổi nhất định thì sa thải để giảm chi phí tiền lương”, ông Hải Anh cho biết.
Tiếp xúc với một số lao động đến làm thủ tục nhận BHTN tại TTGTVL Hà Nội, bên cạnh những ý kiến bày tỏ hài lòng thì vẫn còn những lao động cho rằng cách thức tổ chức chi trả BHTN tại đây vẫn còn rườm rà, làm kéo dài thời gian nhận trả BHTN cho người lao động.
Chị Nguyễn Lê Phương, nhân viên chi nhánh một công ty tại TP.HCM mới giải thể, đi làm thủ tục nhận BHTN tại đây cho biết: “Để nhận BHTN một lần thì phải trình hợp đồng hay quyết định tuyển dụng và nếu quyết định đó của phó giám đốc công ty thì phải có Giấy ủy quyền của giám đốc. Nhưng bộ quy trình tại Trung tâm không ghi rõ điều này nên khi đến, tôi lại bắt buộc phải về đi xin giấy ủy quyền và có khi, lúc đó, công ty giải thể rồi, tìm giấy ủy quyền rất khó nên tôi có nguy cơ không được nhận BHTN”.
Theo một số lao động, do phải thực hiện những yêu cầu bổ sung, như việc phải lấy giấy ủy quyền của cấp trưởng cho cấp phó nêu trên, nên người làm thủ tục BHTN phải chạy đi, chạy lại nhiều lần, khiến cho việc chi trả BHTN một lần mất đi ý nghĩa vì không giảm được phiền toái.
Một số người khác thì phàn nàn về việc TTGTVL Hà Nội còn buộc người đến làm thủ tục đúng vào một ngày trong tháng do TT ấn định, người làm thủ tục phải đến kê khai. Nếu sai ngày, sẽ bị hủy quyết định nhận TCTN. Quy định quá cứng nhắc này gây khó khăn cho không ít người, do chưa kịp thu xếp thời gian.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hải Anh lý giải: việc quy định phải có giấy ủy quyền là thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30 của Bộ LĐ-TB-XH, nếu Bộ bỏ thủ tục này thì TT mới thực hiện được việc chi trả BHTN khi chỉ cần có hợp đồng lao động mới hay quyết định tuyển dụng của người lao động. Riêng việc đến kê khai, nhận BHTN theo ngày được TT ấn định trong tháng, theo ông Hải Anh, người lao động có thể gọi điện đến TT xin lùi ngày hẹn và sẽ được chấp nhận.
Hà Nguyễn
>> Hà Nội: Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến
>> Công nhân mất việc được hưởng 6 tháng bảo hiểm thất nghiệp
>> Mệt mỏi vì thủ tục bảo hiểm thất nghiệp
>> Vĩnh Long chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp gần 7,6 tỉ đồng
Bình luận (0)