Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là nền tảng, phương tiện then chốt để tạo ra sự thay đổi, đem đến tiện ích. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng công nghệ không phải là "cây đũa thần" để tạo ra sự thay đổi đó, không chỉ đơn thuần mua hoặc đặt hàng một phần mềm, ứng dụng là có thể tạo ra sự đột phá về chuyển đổi số.
Chìa khóa của chuyển đổi số lại đến từ chính con người. Cụ thể, để một quá trình chuyển đổi số thành công và đạt hiệu quả tối ưu, thì trước tiên nhân lực phải đảm bảo khả năng thích ứng về công nghệ, theo kịp quá trình chuyển đổi số. Không chỉ vậy, chính những người tham gia phải có tổ chức công việc được phối hợp bài bản, có tính hệ thống cao và tối ưu hóa hiệu quả. Trong đó có cả sự kiểm soát chéo, theo dõi sát sao giữa các thành phần của hệ thống nhằm tăng cường tính minh bạch và hạn chế sự trì trệ. Đây mới chính là phần sống còn quyết định kết quả cuối cùng của quá trình chuyển đổi số.
Nhiều cơ quan cần hiểu rằng quá trình chuyển đổi số không phải thể hiện trong các báo cáo nêu ra việc đạt tỷ lệ bao nhiêu trong chuyển đổi văn bản, tài liệu sang định dạng số, mà quan trọng hơn là tổ chức quản lý như thế nào, kết nối giữa các bộ phận ra sao. Đừng hiểu đơn giản rằng thay vì nộp báo cáo, nộp đơn bằng giấy thì chuyển qua khai báo, gửi báo cáo trên phần mềm. Bởi hiệu quả được quyết định ở chỗ quy trình xử lý những báo cáo đó như thế nào, theo dõi quá trình đó ra sao…
Phần mềm hay nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện cho hệ thống vận hành. Và phương tiện chỉ phát huy hiệu quả tối ưu khi có một hệ thống hiệu quả. Khi đó, không chỉ chúng ta chuyển đổi số hiệu quả mà còn nâng tầm hệ thống theo những tiêu chuẩn của quốc tế. Làm được như vậy, chúng ta không chỉ tự hào đã áp dụng những công nghệ gì, mà còn có thể tự hào về một bộ máy tiến bộ có chất lượng vận hành cao.
Hơn thế nữa, không chỉ trong nội bộ của từng cơ quan, quá trình chuyển đổi số cần có kế hoạch phối hợp, chia sẻ, liên thông giữa các cơ quan, ban ngành theo một quy hoạch chiến lược tổng thể, phân chia rõ ràng để về lâu dài có thể dần thống nhất.
Kế hoạch chiến lược lâu dài được thực thi bài bản sẽ giúp tránh tình trạng "mỗi nơi làm một phách" thì sẽ rất khó để có thể phối hợp, liên thông. Bởi một khi đã bị "đụng công nghệ", "xung đột giải pháp" thì rất khó khắc phục, thậm chí phải "xóa bài làm lại".
Có như thế, chúng ta không chỉ cộng hưởng hiệu quả giữa các cơ quan ban ngành, mà còn đồng bộ hóa hệ thống ở mức cao nhất có thể.
Bình luận (0)