Chia phần cổ vật tàu đắm

22/01/2014 03:00 GMT+7

* 4.975 cổ vật còn nguyên vẹn được chia theo tỷ lệ 67% và 33% * 35 cổ vật độc bản thuộc quyền sở hữu của bảo tàng Ngày 21.1, trước sự giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi và các nhà khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Ngãi và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (TP.HCM) tiến hành bốc thăm phân chia gần 5.000 cổ vật thế kỷ 13.

* 4.975 cổ vật còn nguyên vẹn được chia theo tỷ lệ 67% và 33%
* 35 cổ vật độc bản thuộc quyền sở hữu của bảo tàng

Ngày 21.1, trước sự giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi và các nhà khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Ngãi và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (TP.HCM) tiến hành bốc thăm phân chia gần 5.000 cổ vật thế kỷ 13.

Chia phần cổ vật tàu đắm 1
35 cổ vật độc bản - Ảnh: Hiển Cừ

Doanh nghiệp khai quật hưởng 67%

Đây là số cổ vật trục vớt được từ con tàu cổ đắm tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn vào tháng 6.2013. Theo đó, trong số 4.975 cổ vật còn nguyên vẹn, được chia theo tỷ lệ 67% thuộc về Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (doanh nghiệp thực hiện khai quật) và 33% thuộc về nhà nước. Riêng 35 cổ vật độc bản thuộc về quyền sở hữu của bảo tàng.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết các cổ vật trên con tàu cổ đắm này phần lớn là đồ gốm sứ thế kỷ 13 được chạm trổ tinh xảo bằng các họa tiết hình rồng, phượng, mây bay…

Qua phân loại có 5 loại đồ gốm, gồm đồ gốm sứ men nâu với các loại hình như hũ và lọ chậu, trong đó hũ có văn hoa chanh, hoa dây, sóng nước, hoa văn hình học nhiều kích cỡ khác nhau; nhiều loại hũ và lọ có 4 tai nổi trên vai, men nâu phủ 2/3 chiều cao và một số lọ chum kích thước lớn, trên vai có nổi mác hiệu của lò sản xuất như: Đức Chính Nhuận, Ngô Nhậm Hiệu; đồ gốm men ngọc với các loại hình: đĩa, bát, lư hương, cốc, trong đó đáng chú ý là loại đĩa có kích thước 32 - 34 cm, dáng chậu miệng loe ngang, thành trong in lõm băng cánh hoa cúc, loại lư hương nhỏ có miệng tròn thân hình trụ gắn 3 chân nổi, bát men ngọc có miệng loe, thành cong, đế thấp và lọ 2 tai nổi với đặc trưng gốm men ngọc thế kỷ 13; đĩa trang trí nổi hình rồng... “Đồ gốm men nâu ở con tàu cổ đắm này rất lạ lẫm đối với các nhà khảo cổ học ở VN”, TS Quân đánh giá.

Chia phần cổ vật tàu đắm 2
Có 30 loại tiền đồng được tìm thấy trên con tàu cổ đắm ở Bình Châu

Chia phần cổ vật tàu đắm 3
Quả cân bằng đồng

Nhiều độc bản quý

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong số 35 hiện vật độc bản có nhiều độc bản quý như: quả cân bằng đồng, gương đồng, thạch ngọc. Đặc biệt, có 30 loại tiền đồng được tìm thấy, trong đó phần lớn là tiền của thời kỳ Bắc Tống - Nam Tống, cổ nhất là tiền đồng "Khai Nguyên thông bảo" thời Đường thế kỷ thứ 7. “Các loại tiền đồng cổ này có giá trị rất lớn cho các nhà khảo cổ học, nhất là làm căn cứ trong việc xác định niên đại con tàu cổ”, ông Chiến khẳng định.

Ông Chiến cho biết, qua khảo sát cho thấy đây là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy ở vùng biển VN, có cấu trúc độc đáo hiếm thấy, nhất là hệ thống bánh lái, vách ngăn chắc chắn, là một độc bản rất có giá trị. Do vậy, sắp tới UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các nhà khảo cổ học tổ chức hội thảo bàn về cách bảo vệ, gìn giữ xác con tàu cổ nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới.

Trao đổi với PV Thanh Niên, các nhà khảo cổ học đều khẳng định rằng các loại hình hiện vật được khai quật đã mang lại nhiều nhận thức mới về đồ gốm sứ ở VN cũng như trên thế giới. Đây là những tài liệu hiện vật quan trọng không những đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa VN mà còn mở ra việc nghiên cứu sâu hơn về con đường tơ lụa trên biển Đông trong nhiều thế kỷ trước đây.

Phân chia theo giá trị cổ vật

Để thực hiện phương án phân chia cổ vật, các chuyên gia khảo cổ học phối hợp với thành viên Hội đồng giám định phân chia cổ vật tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành phân loại, đánh giá từng chủng loại hiện vật theo kích cỡ, nhóm khác nhau như đĩa, bình, hũ lọ…

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến (thành viên hội đồng), nguyên tắc phân chia cổ vật là dựa trên cơ sở đánh giá giá trị hiện vật ở mức cao nhất là phải nguyên vẹn, tình trạng men còn tốt. Vì vậy, phải chia ra nhóm nào tốt, nhóm nào hạng thứ thì việc phân chia mới xác thực.

TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, khẳng định việc phân chia này là hoàn toàn chính xác, công bằng và khách quan, trên cơ sở có sự thống nhất giữa doanh nghiệp thực hiện khai quật, Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời phù hợp với cách phân chia cổ vật khai quật được từ 5 con tàu cổ đắm tại vùng biển VN trước đó. Sau khi phân chia, doanh nghiệp cũng như Bảo tàng Quảng Ngãi tiến hành lập hồ sơ cho từng hiện vật, tiếp tục phân loại, chỉnh lý lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật.

Hiển Cừ

>> Mất ăn, mất ngủ vì cổ vật
>> Tranh giành, lặn tìm cổ vật trên tàu cổ đắm ở Quảng Ngãi
>> Phát hiện thêm nhiều cổ vật quanh con tàu đắm
>> Giới thiệu hơn 4.000 cổ vật trên tàu cổ đắm
>> Hoàn tất trục vớt cổ vật trong tàu cổ đắm
>> Lấy cổ vật, để nguyên xác tàu
>> Trưng bày hơn 1.000 cổ vật quý
>> Khai quật cổ vật dưới biển như trên cạn
>> Trục vớt kho cổ vật dưới biển
>> Cận cảnh khai quật gần 40.000 cổ vật trong con tàu đắm
>> Chia cổ vật trong con tàu đắm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.