Chia sẻ công nghệ Mỹ - Úc - Anh không như 'quảng cáo'?

Khánh Như
Khánh Như
17/07/2023 19:24 GMT+7

Các rào cản pháp lý đã khiến việc chia sẻ công nghệ giữa Mỹ và Úc, 2 trong số 3 thành viên của AUKUS, gặp nhiều khó khăn.

Quan hệ đối tác AUKUS giữa Úc, Mỹ và Anh không chỉ là về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo tờ Financial Times, nó cũng bao gồm thỏa thuận trao đổi thông tin liên quan một số công nghệ tiên tiến mới. Hiệp định bao gồm các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), tác chiến dưới biển, chiến tranh điện tử, công nghệ lượng tử và khả năng quản lý quân sự.

Mặc dù các đối tác cam kết chia sẻ những công nghệ và thông tin này, nhưng vẫn có một vấn đề. Các hạn chế kiểm soát thương mại nghiêm ngặt của Mỹ đã cản trở xuất khẩu công nghệ sang Úc, hoặc các công ty ở Úc bán các công nghệ này cho nước khác sau khi tích hợp vào các sản phẩm.

Luật nghiêm ngặt của Mỹ

Hạn chế đối với các mặt hàng quân sự theo thỏa thuận AUKUS được nêu rõ trong Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR). Các điều khoản này rất quan trọng đối với Mỹ, bởi nước này có nghĩa vụ quốc tế trong việc ngăn chặn sự phổ biến vũ khí và công nghệ quân sự trên toàn cầu. Ngoài ra, Washington cũng có những lo ngại về việc quốc gia nào có thể tiếp cận công nghệ và thông tin quân sự của mình, theo tờ The Conversation.

Chia sẻ công nghệ AUKUS không như lời 'quảng cáo'? - Ảnh 1.

Từ trái sang: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu về quan hệ đối tác AUKUS sau cuộc gặp 3 bên tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở TP.San Diego, bang California, Mỹ ngày 13.3

REUTERS

Do đó, các công ty Úc, nếu muốn nhập khẩu công nghệ từ Washington, cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để có được giấy phép, và có thể đối mặt với luật hình sự của Mỹ nếu không tuân thủ các điều khoản.

Các yêu cầu gay gắt đã cản trở việc chia sẻ công nghệ giữa 2 nước. Ngay từ khi AUKUS vừa được công bố, nhiều chính trị gia và chuyên gia Mỹ đã kêu gọi chính phủ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Úc, để thỏa thuận AUKUS có thể hoạt động như dự định. 

Trước những lời kêu gọi, cuối tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã cam kết thực hiện các bước sửa đổi luật Mỹ để hợp lý hóa việc chia sẻ công nghệ với Úc. Sự thay đổi này sẽ coi Úc là một “nguồn nội địa” trong Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950, cùng với Mỹ và Canada, theo hãng Reuters. 

Trong khi đó, một dự luật khác với tên gọi "Đạo luật phòng thủ dưới biển AUKUS", cũng được Washington đưa ra vào tháng 6 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ sang Úc và đào tạo nhân viên Úc trên các tàu này, cũng như đề xuất các miễn trừ khác.

Vẫn còn hạn chế

Các bước đi mới của chính quyền Tổng thống Biden có ý nghĩa với Úc, giúp ngành công nghiệp quốc phòng nước này tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nếu được thông qua, sự thay đổi này sẽ không đồng nghĩa với việc Úc được tự do chuyển giao vũ khí.

Các biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ sẽ vẫn áp dụng cho bất kỳ công nghệ nào không có trong danh sách được phê duyệt, cũng như việc buôn bán thiết bị hoặc công nghệ ngoài các đối tác của AUKUS. Các yêu cầu khác, như kiểm tra bảo mật và yêu cầu bảo vệ dữ liệu, cũng được áp dụng, theo The Conversation.

Chia sẻ công nghệ AUKUS không như lời 'quảng cáo'? - Ảnh 2.

Tàu ngầm tấn công USS Tucson của Mỹ

HẢI QUÂN MỸ

Trong khi tuân thủ luật của Mỹ, quy định về xuất khẩu của Úc cũng sẽ vẫn sẽ được áp dụng. Vấn đề ở đây là luật 2 bên không đồng nhất với nhau, tạo ra hàng loạt rắc rối pháp lý.

Úc không có các nghĩa vụ giám sát liên tục giống như Mỹ. Hệ thống của Mỹ yêu cầu tất cả hoạt động bán thiết bị cho các nước thứ ba có chứa công nghệ Mỹ đều phải tuân theo ITAR. Điều này nhằm ngăn nguy cơ các đối thủ như Nga và Trung Quốc nắm được công nghệ của Mỹ. Bên cạnh đó, Úc cũng không có lệnh cấm cụ thể theo quốc gia đối với việc buôn bán các mặt hàng quốc phòng. Thay vào đó, mỗi quy định xuất khẩu được xử lý trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. 

Theo The Conversation, chính vì Úc có các quy định ít nghiêm ngặt hơn Mỹ ở một số khía cạnh, chính quyền Canberra cần tăng cường các quy định cũng như siết chặt luật xuất khẩu để luật 2 nước ngang bằng nhau và để Mỹ "an tâm" hơn. Từ đó, Úc mới có thể hy vọng đủ điều kiện nhận các miễn trừ từ Mỹ.

Theo báo cáo được Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố vào tháng 6, Trung Quốc dẫn đầu về nghiên cứu trong 19/23 công nghệ mà AUKUS đang tập trung, bao gồm công nghệ siêu thanh, chiến tranh điện tử và máy bay không người lái dưới biển. Báo cáo nêu bật nhu cầu hợp tác nghiên cứu của các đồng minh phương Tây để cạnh tranh với Trung Quốc.

ASPI đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các rào cản quan liêu có thể làm chậm không chỉ chương trình tàu ngầm hạt nhân AUKUS mà còn cả "Trụ cột thứ hai" - một sự thúc đẩy hợp tác giữa 3 nước trong công nghệ siêu thanh và phản siêu thanh, lượng tử, AI và tác chiến điện tử.

Báo cáo của ASPI cho biết: “Trên một số lĩnh vực công nghệ, sự dẫn đầu của Trung Quốc lớn đến mức không có quốc gia nào vượt quá tỷ trọng của nước này – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc hợp tác lớn hơn giữa các đối tác có cùng chí hướng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.