Chia sẻ hạn mức tín dụng?

01/03/2012 03:33 GMT+7

Một số ngân hàng (NH) có hạn mức tín dụng khiêm tốn muốn một cơ chế mềm hơn, tạo điều kiện để các thành viên “chia sẻ” với nhau.

Một số ngân hàng (NH) có hạn mức tín dụng khiêm tốn muốn một cơ chế mềm hơn, tạo điều kiện để các thành viên “chia sẻ” với nhau.

Đại gia từ chối

Tính đến hôm qua, có khoảng 20 tổ chức tín dụng công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, phần lớn rơi vào nhóm 1 (17%) và nhóm 2 (15%). Các thành viên này đều có quy mô và thị phần lớn. Nhóm 1 gồm: Vietinbank, Agribank, ACB, Eximbank… Nhóm 2 gây bất ngờ với một vài tên tuổi: NamA Bank, DaiAbank, Phương Đông (OCB), BaoViet Bank… Số còn lại đang ngồi trên đống lửa với xác suất rơi vào nhóm cuối càng tăng lên. Trong đó, nhóm 3 chỉ được tăng tín dụng 8%, còn nhóm 4 thì không cho tăng trưởng tín dụng.

''…Cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra thật chặt chẽ, tránh để các NH bắt tay nhau, lách luật, dưới nhiều hình thức gây rối loạn hệ thống'' - Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN

Các NH sống nhờ vào hoạt động cho vay nên cấm tăng tín dụng là liều thuốc đắng. Vì vậy, một số lãnh đạo NH phản ánh muốn nhận được cơ chế mềm hơn từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trả lời trên báo chí, ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc NH Đông Á (DongA Bank) - cho rằng các NH được phân bổ tín dụng theo những mức khác nhau, nhưng có thể NHNN không quản lý cứng nhắc. Nghĩa là sẽ có những NH không sử dụng hết hạn mức, và có những NH không được phép tăng trưởng tín dụng, có thể thỏa thuận với nhau. Miễn sao không để ảnh hưởng đến hạn mức chung trong toàn ngành và vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tổng thể tín dụng quốc gia.

Tuy nhiên, bản thân các NH lớn lại chưa muốn dù không xài hết hạn mức. Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Agribank - cho biết năm nay NH chỉ tăng tín dụng khoảng 10%, số 7% còn lại không cần thiết chia sẻ với ai và để NHNN xử lý. Đây cũng là tâm lý của nhiều NH ở nhóm 1.

Không để thành chợ mua bán hạn mức

Bình luận về việc một số NH muốn được mua lại “room” tín dụng, TS Nguyễn Đại Lai - Phó giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) - cho rằng nếu chia sẻ như vậy không khác gì xóa bỏ luôn chính sách chia nhóm, phân hạng và áp “room” tín dụng của NHNN. “Chia để quản, chứ không thể chia ra để biến thành một cái chợ bán quota được”, ông Lai nói và kiến nghị, sau khi ổn định thanh khoản và tiến tới nên xóa trần, NH nào khỏe thì nuôi còn yếu thì xử lý và điều trị mạnh tay.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng không nên để xảy ra tình trạng mua bán quota tín dụng bởi việc phân hạn mức đã căn cứ trên chất lượng hoạt động, khả năng thanh khoản, quản trị rủi ro của từng NH. Nếu để NH nhỏ, năng lực yếu kém mua quota lại sẽ gây ra rủi ro cho hệ thống. Theo ông Kiêm, trước đây để tăng tín dụng không ít NH thương mại lách bằng việc mua trái phiếu, ủy thác đầu tư… nay các NH muốn tăng dư nợ có thể bắt tay, mua lại hồ sơ nợ từ NH khác. “NHNN đã đặt ra hạn mức thì cũng cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra thật chặt chẽ, tránh để các NH bắt tay nhau, lách luật, dưới nhiều hình thức gây rối loạn hệ thống”, ông Kiêm nói.


Các ngân hàng lớn không muốn chia sẻ “room” tín dụng dù không xài hết hạn mức - Ảnh: Ngọc Thắng

Mức tăng tín dụng toàn hệ thống 15 - 17% theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng, là không quá cao bởi nhu cầu tín dụng vẫn còn lớn. Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất có chiều hướng giảm hiện nay sẽ kích nhu cầu vay tăng lên. Ngoài ra, cho phép chuyển hạn mức sẽ thể hiện tính không nhất quán của NHNN về việc phân loại hạn mức tín dụng. “Nếu NH muốn tăng trưởng thì cố gắng bằng cách nâng hạng lên. Các NH có mức tăng trưởng cao cố gắng huy động vốn để đủ nguồn, còn nếu không xài hết cũng chẳng làm sao”, ông Lực nói.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.