Chia sẻ những điều thí sinh cần biết

25/02/2016 05:09 GMT+7

Các chuyên gia tham gia chương trình Tư vấn mùa thi cho biết thực sự hạnh phúc khi được chia sẻ và giải đáp những thông tin cần thiết nhất cho thí sinh.

Các chuyên gia tham gia chương trình Tư vấn mùa thi cho biết thực sự hạnh phúc khi được chia sẻ và giải đáp những thông tin cần thiết nhất cho thí sinh.

Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, giải đáp cho học sinh - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTiến sĩ Lê Chí Thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, giải đáp cho học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong buổi khai mạc lần thứ 18 chương trình diễn ra vào cuối tuần này, chuyên gia đến từ các trường ĐH sẽ một lần nữa đến gần hơn và đồng hành cùng thí sinh (TS).
Định hướng thông tin chân thực
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng thời điểm diễn ra chương trình khai mạc rất phù hợp. Bởi lẽ, đến thời điểm này Bộ GD-ĐT mới chính thức công bố 2 dự thảo quy chế thi và tuyển sinh năm nay và trên cơ sở này thông tin tuyển sinh các trường được chốt lại. Do vậy, với sự tham gia tư vấn của lãnh đạo Bộ và đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đây sẽ là chương trình được thí sinh thực sự mong đợi. Sự mong đợi này không chỉ của HS các trường THPT trên địa bàn Bình Dương, nơi chương trình diễn ra, mà còn của HS và phụ huynh cả nước khi chương trình được truyền hình trực tiếp. Là một chuyên gia tham dự chương trình khai mạc, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ mong muốn được chia sẻ những băn khoăn, khúc mắc của HS về lựa chọn ngành nghề.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết sẽ thông tin chi tiết điều kiện tuyển sinh và cơ hội việc làm của 2 ngành mới trường bắt đầu tuyển sinh trong năm nay. Đặc biệt là phân tích cơ hội và những rủi ro của HS trong lựa chọn ngành nghề khi quy chế năm nay cho phép thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển 2 trường (tối đa 2 ngành/trường).
Từ kinh nghiệm của bản thân, đến với chương trình tư vấn, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mong muốn chia sẻ với HS cách chọn lựa ngành nghề để không phải hối tiếc. Các trường ĐH không muốn tiếp nhận TS trúng tuyển vào trường qua những ngành học không yêu thích, bởi sớm muộn cũng sẽ bỏ giữa chừng trong quá trình học hoặc đi làm sau này. Do vậy TS cần định hướng đúng để chọn ngành yêu thích, phù hợp năng lực bản thân ngay từ đầu.
Còn tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, rất vui vì sẽ có cơ hội gặp gỡ và kịp thời chia sẻ băn khoăn của HS nói chung và HS tỉnh Bình Dương nói riêng. Theo tiến sĩ Hạ, mục tiêu của trường khi tham gia chương trình tư vấn là thông tin tới TS nhiều nhất bằng sự chân thực và hiểu biết của bản thân. “Có rất nhiều tình huống éo le của TS trong lựa chọn ngành nghề, thậm chí là sự bất đồng gây mâu thuẫn giữa TS và phụ huynh. Khi đó, việc tư vấn cụ thể trong buổi là không đủ. Trong các trường hợp này, tôi chủ động cung cấp số điện thoại và tình nguyện trở thành người đồng hành cùng TS”, tiến sĩ Hạ bộc bạch.
Cũng theo tiến sĩ Hạ: “Mỗi TS giống như một tờ giấy trắng, họ có thể đọc nhưng chưa hiểu hết những điều mình chưa từng trải nghiệm. Vì vậy, dù thông tin có ở khắp nơi nhưng sự duy trì của chương trình tư vấn và sự có mặt của chuyên gia luôn cần thiết để định hướng cho TS biết những điều đã hiểu đúng và chưa đúng”.
Thay đổi thông tin phù hợp với nhu cầu của thí sinh
Trở thành chuyên gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên, đại diện các trường không chỉ là người giúp đỡ TS mà ngược lại còn học hỏi được nhiều điều. “Điều tâm đắc nhất sau mỗi buổi tham gia tư vấn là những điều mình học được từ chính TS để thay đổi bản thân theo hướng phù hợp hơn”, tiến sĩ Lê Chí Thông chia sẻ.
Theo tiến sĩ Thông, từ những câu hỏi của TS, trường đã đúc kết rồi chỉnh sửa thông tin trên chính website của trường. Hiện tại trường đang xây dựng danh mục ngành nghề đào tạo theo hướng chi tiết nhất dựa trên thực tế sinh viên tốt nghiệp các ngành. Ở đó, người đọc không chỉ thấy thông tin chung chung mà còn biết được những việc sinh viên có thể làm khi tốt nghiệp, các đơn vị từng tuyển dụng và cụ thể mức lương trung bình ở thời điểm mới ra trường. Ví dụ, ngành điện tử hiện đã có công bố kết quả khảo sát việc làm với sinh viên tốt nghiệp các năm trước cho thấy lương trung bình khi mới ra trường ở mức 7 - 10 triệu đồng/tháng; ở đó cũng nêu cụ thể các đơn vị sinh viên từng được tuyển dụng...
Cũng theo tiến sĩ Thông, cũng chính từ băn khoăn của TS trong chương trình là cơ sở để trường tổng hợp các ý kiến đóng góp với Bộ GD-ĐT về quy chế, các bước kỹ thuật trong quá trình tổ chức thi và xét tuyển phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Tương tự, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ nói: “Tư vấn mùa thi diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia nhưng chương trình không chỉ dừng lại ở định hướng đầu vào mà còn cả vấn đề đầu ra, đặc biệt là cơ hội việc làm và thu nhập sau khi ra trường. Do vậy, quá trình tư vấn đã góp phần giúp trường nhận thấy rõ hơn vai trò của đơn vị đào tạo phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của thực tiễn thị trường lao động. Cụ thể hơn là điều chỉnh chương trình và cách thức đào tạo để sinh viên ra trường có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn”.
Còn PGS-TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ, trường sẽ hoàn tất và đăng tải trên website trường phần mềm trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề để giúp TS có thêm điểm tựa trong lựa chọn ngành và trường thi phù hợp ngay trong năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.