Chia sẻ với các đoàn đi cứu trợ

Tôi là người trực tiếp được Báo Thanh Niên cử tham gia và điều hành công tác cứu trợ bão lụt rất nhiều lần. Một phần cũng là do công việc được Ban biên tập Báo Thanh Niên giao khi phụ trách địa bàn miền Trung, một phần do tính cách của mình.

Ví dụ, hai năm 2008 và 2010 mình ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An mỗi năm đến 40 ngày mới về lại cơ quan (Mỗi đợt cứu trợ đều trên 20 tỉ đồng). Không có đợt thiên tai nào mà tôi không có mặt. Vì thế, với những gì biết được, xin mạo muội chia sẻ anh em các nhóm làm cứu trợ, một cách chân tình thôi:
1. Khảo sát trước, xem người dân vùng nào, cần gì để mình mang đến. Đừng lúc nào mì tôm... không hay. Vì mì tôm, nước uống chỉ từng thời điểm. Đôi khi người dân cần một trăm, hai trăm nghìn để mua đinh, mua tấm tôn lợp lại nhà. Chắc nhất là một phần quà và một ít tiền mặt.
2. Nên tự chủ, lo chuyện ăn uống, chỗ nghỉ, đừng để phiền địa phương vì họ còn lo nhiều việc. Tôi đã chứng kiến có đoàn chở 1 xe quần áo cũ và đi cùng một xe 14 người khiến địa phương rất nản vì lo ăn ở. Nên lo luôn cả tiền vận chuyển (ví dụ mang tiền vào mua hàng). Nói chung là đừng để phiền địa phương vì các hội đoàn không có kinh phí.
3. Quần áo cũ nên lựa chọn, sắp xếp lại. Theo tôi hạn chế bớt quần áo cũ (tôi đã từng chứng kiến người ta bỏ cả quần áo chưa giặt, giày dép hỏng và liễn đám tang vào cứ như đi đổ rác) vì một bộ quần áo mới mua ngoài chợ nay cũng chỉ vài chục nghìn thôi. Gói ghém gọn gàng người nhận sẽ đỡ tủi. Của cho không bằng cách cho là đó.
4. Nên liên hệ với một cơ quan của tỉnh. Tôi thấy tốt nhất vẫn là Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên vì họ có chân rết đến từng cơ sở và có lực lượng thanh niên tình nguyện. Làm thế sẽ có được danh sách cụ thể để phát tận tay và tránh chồng chéo.
Cách làm của Thanh Niên là mỗi khi có bão lũ, đoàn công tác cùng Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên các tỉnh, thành phối hợp với địa phương khảo sát khu vực thiệt hại theo cấp độ, từ đó các đoàn viên thanh niên cơ sở đi lấy danh sách từng nhà, có xác thực của thôn, xã... Căn cứ từng nơi cần gì cấp thiết nhất thì mua hàng, đóng gói (hoặc tiền mặt)... Một bộ phận khác phát giấy mời cho những gia đình trong diện cứu trợ (đó là nói khi có điều kiện đi lại rồi). Hẹn bà con đúng giờ, hàng đến, bà con được đọc tên, khi lên cầm theo giấy mời, ký vào danh sách là nhận ngay. Việc được chia cho nhiều nhóm nhưng quy trình như nhau, việc bố trí thời gian hợp lý nên có ngày, đoàn đi đến 6 xã, phát cho cả 2.000 người mà chưa từng xảy ra trường hợp nào trách móc.
5. Nên ăn mặc giản dị, tiện ích. Hành động đẹp nhưng về với dân, sau đó chụp lên ảnh thấy cách ăn mặc không hợp cũng thành phản cảm.
6. Mỗi người mua vài bao cao su size lớn (đừng cười) để bọc điện thoại, máy ảnh và các vật dụng cá nhân rồi buộc dây cao su lại. Rất hữu dụng khi mưa lũ.
7. Đã hẹn với dân là phải đúng giờ. Đến phải có phương án phát thật nhanh vì người dân bừa bộn việc ở nhà. Người dân sẽ rất buồn nếu các đoàn cứ đòi chờ cho được báo chí, đặc biệt là truyền hình. Làm từ thiện đừng màu mè. Ai cũng biết, ngoài cứu trợ, thông qua đó các đơn vị cũng quảng bá sản phẩm nhưng nên tế nhị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.