Từ kính gọng tre...
“Một chiếc kính có gọng bằng tre, thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo do một bạn trẻ VN làm ra bán ở sân bay Pháp giá 400 euro (xấp xỉ 10,8 triệu đồng). Khúc tre mộc mạc đã được nâng giá trị thành mặt hàng cao cấp”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (SiHub), nói.
tin liên quan
Chàng trai biến ý tưởng thành hiện thựcÔng Tước cho biết đó là một ví dụ tiêu biểu cho thấy, sức sáng tạo trong khởi nghiệp là vô cùng. Tuy nhiên, để làm được, người khởi nghiệp phải có trình độ, hiểu biết, am hiểu thị trường, tầm nhìn xa để có thể nâng tầm giá trị những nguyên vật liệu tưởng chừng thô mộc bên cạnh chúng ta, thành những sản phẩm có giá trị, được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Ông Tước cũng kể thêm ví dụ, trong một lần tiếp vị khách người Nhật, ông loay hoay không biết nên tặng quà gì. Trước đó, mặt hàng mà ông cũng như nhiều người khác quen tặng người nước ngoài, hoặc là cà phê, hoặc cà vạt. Ông nhờ một đồng nghiệp chọn giúp, thật bất ngờ, người đó mang đến một cái tạp dề làm rất tỉ mỉ, nghệ thuật.
Ông Tước đứng tim, vì thấy quà là cái tạp dề, trong khi ông khách thì mừng vui, xúc động lại muốn mặc thử, sau đó còn livestream cho vợ và mọi người ở Nhật xem. “VN có 15 triệu khách du lịch, không ai mua hàng dễ tính bằng mấy ông đi du lịch, thời gian họ lưu lại ngắn, nhưng ai cũng muốn mua quà về, chúng ta có thị trường lớn mà chỉ tư duy bán gói cà phê thì có phí không?”, ông Tước đặt câu hỏi.
Ông Tước nói, ông từng đi từ nam tới bắc, gặp gỡ nhiều bạn trẻ và thấy nhiều bạn làm việc quá dễ dãi với mình. Một lần ông đến Hàn Quốc, các bạn xứ kim chi bảo: “VN ngồi trên vàng khi có quá nhiều ưu thế bản địa, nhiều dược liệu quý mà Hàn Quốc không có nhưng chỉ biết bằm khúc, bằm khúc mang đi bán”.
Ông Tước trao đổi, tư duy bằm khúc dược liệu, phơi khô mang đi bán là 30 năm trước, bây giờ phải cao hơn là áp dụng công nghệ. Ví dụ cây đinh lăng của mình, nếu bằm khúc mà bán thì ở siêu thị giá 2.000 đồng một bịch, nhưng nếu chiết xuất được hoạt tính dược tính của cây, có khi lợi nhuận là hàng triệu đô la.
“Làm cái thông thường một cách khác thường”
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu The Pathfinder, thẳng thắn chỉ ra một số mô hình kinh doanh hiện nay không thể được coi là khởi nghiệp sáng tạo khi vẫn giữ tư duy “săn bắt hái lượm”, có gì làm đó, hạn chế về kỹ năng và ứng dụng công nghệ. Theo ông Tuấn, khởi nghiệp sáng tạo hiểu đơn giản là “làm cái thông thường một cách khác thường”, biến nguyên liệu thô sơ ở ngay bản địa thành tài nguyên hữu ích, giá trị cao.
Còn chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty bột rau má Quảng Thanh, dẫn chứng câu chuyện của chính mình, biến cây rau má mọc lan ở bờ ruộng vườn rau quê mình thành bột rau má vẫn giữ các chất tốt cho sức khỏe, nhờ công nghệ sấy đặc biệt, dùng cối đá để nghiền chứ không dùng máy móc. Khi Hương làm, nhiều người cản và bảo ở VN thiếu gì rau má, bán cho ai, cô gái trẻ kiên quyết làm và chinh phục được thị trường trong nước. Nhiều người ở nước ngoài về dùng thích quá, cho Hương ghép sản phẩm vào các container để mang ra nước ngoài. Cô gái trẻ cho hay, đang tiến tới xuất khẩu chính ngạch, có thể trước tiên là thị trường Thái Lan.
Trong khi đó ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, khuyên các bạn trẻ cần nhớ, cánh đồng VN với nhiều nông sản có giá trị, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn phải sang để mua nguyên liệu, nên hãy giữ cho chắc, khơi dậy quốc sản của mình. Đồng thời, người trẻ không nên “giẫm chân” nhau, hãy sáng tạo nhiều sản phẩm của riêng mình. Ông Viên nhấn mạnh đến trách nhiệm cộng đồng, tư duy vì lợi ích cộng đồng mà mỗi người trẻ khi khởi nghiệp không nên quên.
Ông Huỳnh Kim Tước cũng cho hay nhiều bạn băn khoăn, khi khởi nghiệp thì quan tâm chất lượng sản phẩm hay bao bì, thị trường trước tiên. “Câu trả lời chính là tầm nhìn, tầm nhìn phải đi trước. Các bạn hãy tìm cho mình một mentor (người hướng dẫn) để có cho mình những định hướng sáng suốt”, ông Tước nói.
Bình luận (0)