Khi đi kiểm tra ở khoang hành lý, cô tiếp viên trưởng vô cùng kinh hãi thấy có tới mười chiếc cặp lạ bị bỏ quên rải rác ở mọi vị trí. Cô vội vàng gom cả lại, chất lên một xe ba bánh rồi đạp gấp đến chỗ ông giám đốc hành lý của phi trường:
- Thưa ông, chả biết lý do gì mà thiên hạ quên đồ nhiều quá.
Ông giám đốc triết lý:
- Cuộc sống khó khăn, thời gian eo hẹp, tâm trí hồi hộp, để quên nhiều là phải rồi.
Cô tiếp viên đau khổ:
- Nhưng thưa ông, làm thế nào chúng ta trả được cặp của khách cho đúng bây giờ vì tất cả đều không gắn bảng tên.
Giám đốc cả cười:
- Em chớ lo lắng quá. Ta làm nghề cai quản hành lý dân chúng đã lâu năm, chỉ cần liếc qua là biết đồ ai vào ai, nghìn lần không sai một.
Ông gọi các nhân viên dưới quyền đến làm biên bản. Vừa mở chiếc cặp thứ nhất ra, ông xem xét hai giây rồi phán:
- Cặp này của sinh viên.
Cô tiếp viên trưởng kinh ngạc:
- Sao thầy biết?
Giám đốc ung dung:
- Biết ngay. Trong đấy có một tập phiếu ăn, một thư gửi về nhà xin tiền gia đình, hai quần đùi, hai áo may ô, sách vở cùng mấy bản luận án phô tô. Chả sinh viên là gì?
Cô tiếp viên phục quá. Mở chiếc cặp thứ hai, mới ngó qua, ông giám đốc phán:
- Của công nhân khu chế xuất.
- Sao thầy biết?
- Khó chi. Trong đó có nửa cái bánh mì, một đơn xin trợ cấp tăng ca, một giấy đòi nợ của chủ nhà trọ, ba tờ giấy dò vé số, một ảnh vợ bồng con đứng chờ dưới gốc cây, nếu chẳng đúng là cặp của công nhân, ta chết liều!
Mọi người phục lăn. Tới cặp thứ ba, giám đốc hành lý tuyên bố:
- Đây là cặp của công chức quèn. Có một bộ bài tú-lơ-khơ, một giấy ghi nợ quán ăn, một cà vạt chưa giặt, một địa chỉ quán cầy tơ, một đơn tố cáo, hai sổ tay ghi ngày sinh nhật của sếp và vợ sếp, bốn phiếu giảm giá mát-xa, gội đầu, nửa chai rượu thuốc.
Tới cặp thứ tư, ông phán ngay:
- Đây là đồ của doanh nghiệp tư nhân. Có một xấp báo cũ, một chồng đơn xin, ba tập hồ sơ đề nghị tính lại thuế, giấy xin tiền từ thiện, giấy yêu cầu tài trợ, hồ sơ thế chấp ngân hàng, ảnh toàn bộ gia đình, tạp chí tiếng Anh.
Cặp thứ năm cũng được xác định khẩn cấp:
- Cặp này của nghệ sĩ đây. Có ba bốn bài báo cắt ra. Bản kiểm điểm, phấn cũ, son quá đát, thư của người hâm mộ, xấp ảnh chụp ký tặng sẵn, giấy khất nợ nhà may, tờ quảng cáo đại nhạc hội, giấy phép biểu diễn, bản tường trình, chai dầu gió giúp chảy nước mắt, hình chụp đứng dưới chân tháp Ép-phen, biên lai mua xe trả góp, đơn ly dị, đĩa CD lậu.
Tiếp theo là cặp thứ sáu:
- Của này chắc chắn thuộc về nhà báo. Máy ghi âm, máy ảnh, giấy mời xem ca nhạc và phim, phiếu xin tạm ứng nhuận bút, thư gửi cộng tác viên đòi bài, hộp cơm ăn hết một nửa, vé xe đò, thuốc chống muỗi, kính và nón ngụy trang, dầu xoa bóp, giấy xin nói lại cho rõ, bột cà phê, vi tính xách tay đời cũ, vớ chưa giặt.
Cặp thứ bảy cũng định dạng chả khó chút nào:
- Cặp này của một đại gia. Có ảnh hoa hậu, thẻ chơi "gôn", vé máy bay khứ hồi Singapore cho hai người, ảnh chụp với vip, thẻ sòng bài, giấy đề nghị phỏng vấn, thẻ tín dụng, giấy khất nợ ngân hàng, thư bồ nhí, phiếu khám bệnh tiểu đường, đơn thuốc cao huyết áp, áo sơ mi cao cấp còn nguyên bao, thuốc an thần, tạp chí doanh nhân mới tinh chưa đọc, một mật gấu giả, một ký yến sào.
Cô tiếp viên ngạc nhiên:
- Tại sao lại mật gấu giả?
Giám đốc vui vẻ trả lời:
- Tại vì ông ấy tưởng đồ thật. Cô nghĩ, các đại gia cái gì cũng giỏi là nhầm.
Rồi ông kiểm tiếp:
- Cặp thứ tám của dân thường. Có giấy xin xác nhận của phường, hóa đơn tiền nước, tiền điện chưa thanh toán, gói xôi, phiếu giảm giá, quần áo cũ, chai nước suối nhưng bên trong đựng trà đá (đã tan hết đá), thuốc đau bụng, cá khô.
Cứ thế, ông làu làu khiến bà con phục lăn. Giám đốc giảng giải:
- Đồ đạc là một phần thân thể con người, nói lên vị thế, xuất xứ và hoàn cảnh của chủ nhân rất trung thực.
- Cặp thứ chín của một ông già hưu trí, vì nó rỗng không, chỉ có mỗi một hàm răng giả.
Chiếc cặp cuối cùng, thứ mười được mở ra. Nó cực sang trọng, gắn thẻ vip, da bóng loáng. Trong có hàng chục phong bì đề tên người gửi không đề tên người nhận, đầy tiền và đô la, giấy công tác, hồ sơ dự án, giấy quyết định đề bạt để khống, điện thoại di động, hộ chiếu, thư mời cơm.
Giám đốc hành lý xem xét cẩn thận rồi toát mồ hôi, lắc đầu:
- Cặp này tôi chịu. Không thể biết nổi của ai!
Lê Hoàng
Bình luận (0)