Chiếc lá nho

15/04/2012 03:10 GMT+7

Chiều đẹp trời, ngồi với bạn trong quán cà phê ở góc công viên, chuyện vãn đôi hồi về thế sự rồi rốt cuộc lại quay về đời sống văn hóa. Người bạn kể câu chuyện liên quan đến việc xin phép để được tổ chức triển lãm tranh của một nữ họa sĩ Việt kiều.

Chiều đẹp trời, ngồi với bạn trong quán cà phê ở góc công viên, chuyện vãn đôi hồi về thế sự rồi rốt cuộc lại quay về đời sống văn hóa. Người bạn kể câu chuyện liên quan đến việc xin phép để được tổ chức triển lãm tranh của một nữ họa sĩ Việt kiều.

Nghe chuyện, tôi bật cười và băn khoăn, có lẽ sự băn khoăn ấy không chỉ về cách hành xử đối với trường hợp này mà còn với nhiều vụ việc khác của cơ quan quản lý văn hóa.

Chuyện rằng: Họa sĩ D. xin phép triển lãm tranh, trong số gần 30 bức tranh mà chị gửi đi để cơ quan cấp phép thẩm định có một bức bị “gác” lại. Bức tranh mô tả một người đàn ông nằm trong bồn tắm, nước duềnh lên trên chỗ nhạy cảm. Bằng những nét cọ mềm mại, họa sĩ đã cách điệu hóa cái bộ phận ấy trên cơ thể người đàn ông, khiến nó trở thành điểm nhấn nghệ thuật chứ không hề dung tục. Vì vậy, khi biết cơ quan cấp phép từ chối không cho trưng bày bức tranh, nữ họa sĩ D. khá thất vọng.

Trước ngày trưng bày, vì thấy tiếc cho ý đồ nghệ thuật của mình và đây cũng là tác phẩm mình rất tâm đắc, nữ họa sĩ đồng ý thực hiện theo yêu cầu của cấp quản lý là “kiếm cái gì đó để che chỗ ấy lại” thì mới được triển lãm. Chị bèn cắt một chiếc lá nho dán lên chỗ mà cơ quan cấp phép khẳng định có thể gây phản cảm đối với người thưởng ngoạn. Đồng thời, họa sĩ cũng rỉ tai vài người bạn, vào cuối buổi khai mạc tìm cách gỡ giùm chiếc lá nho ra, để hiệu ứng nghệ thuật đến với người xem tranh một cách trọn vẹn hơn.

Ý định của nữ họa sĩ đã thành công, cuộc triển lãm được rất nhiều người tán thưởng và đánh giá cao về nghệ thuật. Một nhiếp ảnh gia tên tuổi đã mua bức tranh với giá khá cao để trưng bày trong gallery của mình. Vài người biết chuyện, nói rằng may nhờ có chiếc lá nho. Nhưng với nhiều người, những gì đọng lại khi nghe câu chuyện này là cơ quan quản lý văn hóa cần hiểu sao cho đúng về một tác phẩm nghệ thuật và chấp nhận nó. Điều ấy vô cùng quan trọng. Nó có thể giúp cho nghệ sĩ phát huy sáng tạo nghệ thuật, ngược lại có thể làm thui chột nguồn cảm hứng, khiến người nghệ sĩ thất vọng và từ đây sẽ gây ra một sự tai hại lớn hơn, thiệt thòi cho công chúng có nhu cầu thưởng lãm.

Chuyện là thế, rất đáng suy nghĩ bởi có thể thấy được trong đó thái độ trân trọng đối với lao động và cảm xúc sáng tạo của nghệ sĩ. Mong lắm thay, sự đổi mới cảm quan từ các cơ quan quản lý văn hóa!

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.