Buổi thử nghiệm chiếc máy diễn ra sáng qua 19.6, tại xưởng cơ khí Tín Diệu số 99 Bình Thới, Q.11 (TP.HCM). Ông Nguyễn Văn Lãng và người cộng sự Huỳnh Lê Can đích thân bốc từng nắm hạt điều đưa vào chiếc máy đang chạy một cách nhịp nhàng. "Tỷ lệ hạt vỡ là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của chiếc máy này" - ông Lãng cho biết. Kết quả thật bất ngờ. Số hạt vỡ chỉ khoảng 18/200 hạt được bỏ vào thử nghiệm, nghĩa là chưa đến 10%.
Máy cắt hạt điều cho tỷ lệ bể vỡ chỉ dưới 10%, đó là ao ước mà tất cả những người làm trong ngành điều đều hướng đến. Bởi lẽ, ngành điều đang lâm vào nguy cơ phải thu hẹp sản xuất nếu công nghệ đang sử dụng không được cải tiến để hạn chế bớt lao động thủ công trong khâu cắt hạt. "Nếu có chiếc máy nào cho tỷ lệ cắt vỡ khoảng 20% thôi, các doanh nghiệp đã hài lòng lắm rồi. Ngay khi bắt tay vào nghiên cứu chiếc máy mới này, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tỷ lệ vỡ 20%, nhưng kết quả hoàn toàn bất ngờ và thành công hơn dự định", những người thực hiện cho biết.
Điều đáng nói là chiếc máy này được hoàn chỉnh chỉ trong vòng 6 tháng. Trước áp lực đổi mới công nghệ ngành điều, ông Nguyễn Văn Lãng được chỉ định vào nhiệm vụ Trưởng ban nghiên cứu công nghệ của VINACAS. Ông Lãng lúc đó liên lạc với ông Huỳnh Lê Can, người cộng sự lâu năm của mình, lúc này là giám đốc một công ty chuyên về cơ khí. Lúc gặp ông Can, ông Lãng nói ngay: "Chúng ta đều đã lớn tuổi, phải quyết tâm tạo được một chiếc máy cắt hạt điều sau cùng rồi yên tâm nghỉ ngơi". Ông Can nghe theo, dẹp hết những công việc khác để chú tâm nghiên cứu. "Tôi đã nghiên cứu chiếc máy cắt này hơn 10 năm nay, chế tạo ra 4 chiếc máy các loại, nhưng đều thất bại. Nghe ông Lãng trình bày ý tưởng và động viên, tôi bắt đầu phối hợp và chế tạo. Bây giờ đã có thể nói là thành công", ông Can kể lại.
Ông Lãng cho biết, chiếc máy này nhìn bề ngoài có thể giống loại máy của Ấn Độ, nhưng cấu trúc và cơ chế cắt hạt thì lại là một bí quyết riêng, từ hình dáng lưỡi dao cho đến độ rung, lắc, độ nhún... Về giá cả, chiếc máy này chỉ bằng 1/5 so với máy nhập khẩu, và tỷ lệ hạt vỡ thấp hơn nhiều so với hàng ngoại nhập. "Trước đây một nhà máy có 1.000 lao động thì đã có 400 công nhân tham gia cắt hạt. Với chiếc máy cắt này thì một nhà máy chỉ cần khoảng 20 - 30 người làm nhiệm vụ điều khiển và tham gia các công đoạn phụ. Như vậy, các khâu trong dây chuyền của một nhà máy chế biến điều đều được tự động hóa, và đều được chế tạo trong nước", ông Lãng nói.
Theo kế hoạch, cuối tuần này ông Lãng mới chính thức báo cáo kết quả công trình nghiên cứu cho VINACAS, nhưng ngay từ bây giờ chiếc máy "10%" này đã được nhiều doanh nghiệp đặt hàng.
Q.T
Bình luận (0)