Chiếc mũ quan lại triều Nguyễn bán đấu giá được 20 tỷ đồng có gì lạ ?

30/10/2021 10:24 GMT+7

Một hiện tượng độc đáo chưa từng có trong các phiên đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài là vào ngày 28.10 vừa qua, một chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn đã được bán thành công với giá 600.000 EUR (khoảng hơn 20 tỷ đồng cả thuế và phí).

Câu chuyện bắt đầu “nóng” cách đây khoảng một tuần, từ việc TS.Trần Đức Anh Sơn đăng trên trang cá nhân thông tin chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn được đấu giá ở Tây Ban Nha, với giá khởi điểm 500 - 600 EUR. Thế là sự việc trở nên ồn ào với nhiều thắc mắc đại loại như, mũ đó thật hay giả, mũ đó của quan có phẩm hàm nào ?…

Mặt bên chiếc mũ quan lại triều Nguyễn vừa bán đấu giá

Mặt sau của mũ.

BALCLIS

Về chiếc mũ phiên đấu giá thường kỳ của nhà Balclis (21 giờ ngày 28.10) tất cả gồm có: Hộp đựng mũ bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh; Mũ là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết.

Các trang sức gồm có: Mặt trước, phía trên là 1 bác sơn, tiếp đến là 2 hoa, 2 giao long, dưới cùng là trang sức kim ngạch tường và dây kim nhiễu tuyến. Mặt hai bên mỗi bên trang trí 1 kim khóa nhãn. Mặt sau gồm 2 hoa, 2 giao long, 2 kim như ý. Ngoài ra, còn 2 cánh chuồn: Đầu hai cánh thì mỗi cánh được bịt 2 trang sức, giữa mỗi cánh trang trí 2 giao long. Tất cả đều được làm bằng vàng và đều được lót phía sau một miếng vải đỏ.

Đặc điểm của các trang sức rất đẹp. Bác sơn: Chính giữa là một hoa được hai giao long ở hai bên chầu vào, diềm phía trên là hoa văn mây, diềm phía dưới là văn cánh hoa liên hoàn.

Hoa: Được bố cục trong một vòng tròn, ở giữa cẩn một viên pha lê màu trắng, cánh hoa thể hiện ba lớp gồm có lớp cánh chưa nở bao quanh viên pha lê và hai lớp cánh đã nở ở phía ngoài. Đặc biệt một hoa ở phía sau, thuộc phía trên lại được bố cục nằm trong một vòng tròn là dây lá. Còn hoa phía dưới đã bị mất phần hoa nổi ở trên, hiện chỉ còn phần lỗ hình chữ nhật nhỏ để bắt chốt bẻ, và cũng bị mất luôn hai khoen để xỏ giữ cánh chuồn.

Giao long: Có thân mập mạp, sừng gạc nai và bờm ngắn, đuôi xoáy (1 giao long ở sau mũ bị gãy).

Kim ngạch tường: Chính giữa cũng là một hoa nhưng đã mất viên viên pha lê được cẩn ở giữa, hai bên có hai giao long chầu vào.

Chủ nhân của chiếc mũ này đã được đặc ân

Qua khảo tả nêu trên, số lượng các trang sức gồm có: 1 bác sơn, 1 kim ngạch tường, 4 hoa trước sau, 4 giao long trước sau, 2 kim khóa nhãn, 1 dây kim nhiễu tuyến, 2 cánh chuồn bọc vàng và mặt có trang trí giao long. Trong khi mũ áo của quan Chánh Nhất phẩm và trên Nhất phẩm được quy định như sau.

Gia Long năm thứ 5, định phẩm phục các quan văn võ, chiếu rằng: Đặt quan chia chức, tất phải phân biệt chương phục để rõ phẩm cấp. Nay quan chế hai ban đã định, thì phục sắc mũ áo cũng theo phẩm trật mà chế dùng để cho danh phận được rõ ràng, tôn ty có khác. Phàm người có chức phẩm đều nên tuân theo. Ai được đặc ân cho phẩm phục hơn lên thì không theo lệ này.

Hộp gỗ được chạm khắc nhiều hoa văn rất đẹp

BALCLIS

Văn ban, trên nhất phẩm, mũ áo đại triều: Đại triều, dùng mũ phốc tròn, ở trên có cầu vàng, gia thêm 2 cái hất vàng, đều cao 6 phân, ở dưới ngạch thân mũ bằng vàng, phía trước phía sau đều 1 hoa bằng vàng, 2 cánh ở bên bọc vàng, mặt trang sức con giao long bằng vàng chuỗi ngọc châu. Về hoa và giao long, từ nhất phẩm đến ngũ phẩm đều nên dùng mảnh vàng để chạm, không được làm nổi dậy rung động được.

Văn ban Chánh Nhất phẩm: Mũ đại triều cũng như trên nhất phẩm.

Như vậy, với số lượng trang sức nêu trên cho thấy mũ đây dư 2 hoa, 2 giao long.

Qua đối chiếu các trang sức của mũ đây với các trang sức ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế, thì cho thấy rất nhiều điểm khác lạ như: Bác sơn thay vì diềm phía dưới là văn sóng nước để cùng với văn mây ở diềm trên để tạo thành đề tài giao long chầu hoa cúc trong khung cảnh trời mây nước, nhưng ở đây lại được thay bằng văn cánh hoa. Còn hoa, vẫn là hoa cúc nhưng được cách điệu hơi khác so với hoa ở các mũ, và lại còn có sự khác biệt như. Các mũ có các lớp cánh hoa nổi ở trên một nền dây lá, nhưng ở đây không có nền dây lá và thay vào đó là một vòng tròn và vòng tròn dây lá bao quanh.

Vấn đề dư trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân, như ở bản vẽ về mũ của Chánh Nhất phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa và cả ở mũ hiện tồn như chiếc mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong (hàm Tòng Nhất phẩm), mũ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu (Chánh Nhị phẩm) cũng cho thấy điều này, nhưng thường là dư 1 hoa ở trước mũ và 1 hoa sau mũ. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là dư 2 giao long, bởi đây là lần đầu được biết đến.

Như vậy phát hiện này cho thấy chủ nhân của chiếc mũ quan lại triều Nguyễn đã được đặc ân mà từ trước đến nay chưa hề có. Tiếp đến là bức ảnh về một vị quan triều Nguyễn mà tôi cho rằng được chụp vào cuối thời vua Bảo Đại, bởi trong ảnh còn có một số sĩ quan hình như là của Tàu Tưởng. Bức ảnh đã cho thấy phía sau chiếc mũ của vị quan này cũng có 2 giao long chầu hoa rất giống như mũ đây, và các hoa trên mũ cũng được bố cục trong một vòng tròn. Vì vậy chiếc mũ đấu giá ở đây có lẽ cùng thời.

Bức ảnh về một vị quan triều Nguyễn chụp vào cuối thời vua Bảo Đại

T.L

Chiếc mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong

VŨ KIM LỘC

Kết quả phiên đấu giá thật sự là một dấu hiệu mừng cho cổ vật Việt Nam, mà cụ thể là chiếc mũ quan lại triều Nguyễn đã được đánh giá đúng thực chất, một lần nữa khẳng định vị thế của cổ vật Việt Nam ngày càng có giá trị cao trên thị trường đấu giá quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.