Chiếc nón khủng hơn 2 mét tái xuất

22/07/2016 15:09 GMT+7

Âm nhạc mang âm hưởng nhạc dân tộc lẫn những chuyển động múa đương đại của Nón đều diễn ra dưới chiếc nón đường kính khủng hơn 2 m.

Chương trình múa đương đại Nón vừa được diễn tại L’Espace Tràng Tiền Hà Nội tối 21.7, và sắp tới vào 26 - 27.7 tại Idecaf TP.HCM. Chiếc nón khủng có đường kính hơn 2 m từng mê hoặc hơn 300 tùy viên văn hóa và đại sứ châu Âu trong Luxembourg hồi 2015, đã tái xuất trong các chương trình này. Nhóm nghệ sĩ thực hiện Nón gồm: nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, đạo diễn diễn viên Vũ Ngọc Khải, nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái.
Giới thiệu chương trình được thiết kế với hình tượng bánh chưng bánh dày Ảnh NVCC
Nón đã rất Việt ngay từ tờ tóm tắt chương trình. Chiếc phong bì được cách điệu thành hình bánh chưng, tên chương trình- Nón- được in trên nền trắng tròn tựa bánh dày. Với định dạng đó, người ta thấy lời hứa về những bí mật về văn hóa dân tộc mở ra mãi, cho tới khi chạm vào tim người xem.

Mở màn, chiếc nón lá đường kính hơn 2 mét úp trên sân khấu được kéo lên cao, lộ ra dàn nhạc cùng nhạc sĩ Ngô Hồng Quang. Đây cũng chính là chiếc nón đã xuất hiện tại Luxembourg năm ngoái. Nó được thiết kế để có thể gấp lại, mang theo trong những chuyến lưu diễn nước ngoài dài ngày. Trên sàn diễn, tấm thảm Quang ngồi chơi đàn cũng có hình bánh dày, sân khấu có những vệt trắng như lạt bánh chưng.

Chiếc nón khổng lồ còn được hỗ trợ bằng hơn 50 chiếc nón to nhỏ khác, do đèn chiếu tạo nên. Những chiếc nón ánh sáng đó chiếu từ trên trần, từ bên hông sân khấu. Chúng được sắp đặt to nhỏ kỹ càng. Một chiếc đèn chiếu như vậy có độ lớn đáy nón bằng chính sải tay của diễn viên múa.

tin liên quan

Nghệ thuật đương đại phục vụ công chúng
Chương trình múa đương đại với sự tham gia của vũ đoàn Derashinera và đạo diễn Onodera Shuji nổi tiếng của Nhật Bản được giới thiệu tới công chúng vào lúc 20 giờ ngày 9 và 10.1 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội).
Trong Nón, có tới 30% chuyển động múa là do nghệ sĩ tự ứng tác. Vì thế, các buổi diễn sẽ có thể khác nhau tới 30%. Trở về từ Đức, Khải đã quá quen với múa đương đại. Quang cũng vậy, anh đang học sáng tác nhạc đương đại ở Hà Lan. Họ rất hiện đại trong tư duy. Họ cũng rất giống nhau ở chỗ cùng muốn dùng tạo hình và âm hưởng Việt trong các sáng tác của mình.
Vì thế, có thể Quang cứ thắm thiết mãi với những nhạc cụ dân tộc. Với Nón, anh chơi tới 8 loại nhạc cụ dân tộc, trong đó có cây đàn bầu mà anh đã học 8 năm ở Nhạc viện Hà Nội. Nhưng, Quang cũng rất mới với hai bài ca anh sáng tác và biểu diễn, sắp tới sẽ có trong đĩa thu âm cùng nhạc sĩ Nguyên Lê. Chúng thanh tú và ngân dài với thang âm Tây Nguyên của chiếc chiêng dây. Được nghệ nhân Tạ Thâm thiết kế, chiếc chiêng này có thể thay cho cả bộ chiêng 13 chiếc.
Quang hát với cây đàn tính: “Tung cánh mãi bay xa khắp nơi khắp nơi khắp nơi có tình yêu... Người ơi về đồi non ta yêu nhau”. Giọng Quang không hay như ca sĩ. Nhưng âm nhạc mang chất Tây Bắc của anh thật tuyệt vời phóng khoáng. Nó mở mãi không gian của sân khấu trong khi Khải cũng chuyển động khắp sân khấu không dừng.
Khải và Quang trong cảnh cuối của Nón Ảnh NVCC
Trong suốt đêm diễn, Khải chuyển động liên tục, với những động tác phi giới tính. Người xem cảm nhận nhân vật đang đi tìm sự bình yên, tìm bản thân. Câu chuyện đó hẳn không xa lạ trong thế giới công nghiệp, đô thị. Có những cảnh, Khải chỉ diễn bằng cánh tay và ánh sáng. Cả thân hình anh lúc đó chìm trong bóng tối, chỉ đôi tay được ánh sáng chiếu vào. Thảo nào, người ta thấy, Nón thể hiện rõ câu chuyện tìm căn cước văn hóa của cá nhân là vậy.
Nón có nhiều phiên bản với độ dài 20-30-60 phút, thiết kế cho những chương trình khác nhau. Bản ở L’Espace tối qua và ở Idecaf ngày 26,27.7 tới là phiên bản đầy đủ nhất, cũng là bản đã mê hoặc giới ngoại giao châu Âu năm nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.