|
Thấy cô con gái đi mua sữa về, người mẹ dù đang mải miết với đống giấy tờ công việc nhưng cũng kịp quan sát và nhắc nhở con với một giọng hết sức nhẹ nhàng nhưng hoàn toàn nghiêm túc:
- Có một hộp sữa, đâu cần phải lấy túi hở con?
- Do họ để vào mà mẹ!
- Con không lấy cũng đâu có sao.
Đoạn hội thoại rất ngắn, được lồng ghép trong một cảnh phim và có thể không quan trọng nhiều đối với nội dung chính của phim nhưng lại có ý nghĩa giáo dục rất lớn, đặc biệt khi bộ phim này dành cho lứa tuổi học sinh.
Chắc hẳn ý thức tiết kiệm và rộng hơn nữa là ý thức bảo vệ môi trường đã ăn sâu vào tiềm thức của bà mẹ Nhật Bản này, chẳng thế mà dù đang phải tập trung cao độ cho công việc, bà cũng không quên nhắc nhở, giáo dục con, dù là điều rất nhỏ. Khi chính người cha, người mẹ đã có ý thức như vậy, con cái của họ cũng có điều kiện tốt để học được những đức tính quý báu ấy.
Bà mẹ không phải dùng đến hai từ “tiết kiệm” trong câu nói của mình, nhưng cô con gái có thể hiểu được ý của mẹ. Không cần viện đến lý thuyết, giáo điều, ý thức tiết kiệm của cả một dân tộc giàu mạnh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể chỉ qua những việc đơn giản như thế thôi.
Ở nước mình. Tôi đi mua gói bánh ở một hiệu tạp hóa. Người bán hàng để gói bánh vào trong một túi ni lông cho tôi. Thấy chiếc túi sẵn đang xách trên tay vẫn còn có thể chứa thêm đồ, tôi lấy gói bánh ra khỏi túi ni lông và cho vào túi của mình, đưa trả lại người bán hàng:
- Cháu gửi lại bác cái túi, cháu không cần đến ạ.
Người bán hàng đang cúi xuống viết gì đó, thấy tôi nói thì hơi ngẩng lên, liếc xéo cái túi ni lông tôi đặt trên mặt tủ kính rồi không cần nghĩ ngợi lâu, dùng tay gạt phăng nó xuống góc nhà, khuôn mặt lạnh tanh như không, rồi cúi xuống tiếp tục ghi chép trước sự sửng sốt và ngỡ ngàng của tôi. Tôi có cảm giác như bác ấy không chỉ gạt mỗi cái túi đi mà còn gạt luôn cả chút ý thức tiết kiệm của tôi. Và có thể bác ấy còn cho tôi là một đứa dở hơi cũng nên, có mỗi cái túi con con mà bày đặt, rách việc.
Tôi nghĩ, những người không coi trọng sự tiết kiệm từ người khác thì chính họ cũng khó mà có ý thức ấy, nói chi tới việc bảo ban con cái phải như vậy.
Tôi bước ra khỏi cửa hàng, vừa buồn vừa tức giận. Từ đó đến nay, tôi chưa bước vào cửa hàng đó lần hai. Lần nào đi qua đó tôi cũng nhớ lại cái gạt tay lạnh lùng kia và dù nó có vị trí khá thuận lợi và bày bán nhiều hàng hóa, tôi nghĩ mình cũng sẽ không bao giờ bước vào đó nữa.
Tên bộ phim Nhật Bản mà tôi nhắc tới có tựa đề là Whisper of the heart. Nếu có thời gian xem, chắc chắn bạn sẽ thấy được nhiều điều hay ho từ con người đất nước này.
Trần Thu (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại Hà Nội
>> Ý thức giao thông
>> Sinh viên làm phim về ý thức pháp luật
>> Tiếc cho ý thức giữ gìn tài nguyên quốc gia
Bình luận (0)