Theo số liệu của BHXH TP.HCM, tính đến cuối tháng 4.2011, các DN trên địa bàn TP nợ gần 850 tỉ đồng tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); trong đó nợ tồn đọng từ 3 - 6 tháng là 58 tỉ đồng, từ 6 - 12 tháng gần 51 tỉ đồng, trên 12 tháng là gần 58 tỉ đồng...
Từ tháng 1.2011, BHXH TP chuyển danh sách 69 DN nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ 31 tỉ đồng cho Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP để đôn đốc, nhắc nhở... Nhưng tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn 86 DN nợ từ 3 tháng trở lên vẫn chưa khắc phục, ngoài ra còn phát sinh thêm 4 đơn vị tồn đọng. Danh sách những đơn vị khắc phục "nhỏ giọt” cũng sẽ được BHXH chuyển Thanh tra Sở để xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các đơn vị chây lì không thực hiện việc thanh toán nợ trong năm 2010, BHXH TP cho biết sẽ khởi kiện.
|
Nợ chồng lên nợ!
Công ty dệt may Mai Bình Trân (gọi tắt là Công ty Mai Bình Trân), P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM là một trong những “con nợ” lâu năm nhất của BHXH. Theo ông Chung Hiếu Vân, Phó giám đốc BHXH Q.12, công ty này đang nợ 733 triệu đồng. BHXH Q.12 đã khởi kiện công ty ra tòa và đã có quyết định của TAND Q.12 nhưng đến nay số nợ trên vẫn chưa thu hồi được.
Chuyện có đóng BHXH hay không là do công ty, tụi em sao biết được. Giờ tụi em chỉ lo hằng tháng nhận được lương đầy đủ là mừng lắm rồi. Ý kiến này nọ lại mất việc! |
||
Một nữ công nhân tại Công ty dệt may Mai Bình Trân |
||
Không chấp nhận, BHXH Q.12 có đơn đề nghị Chi cục Thi hành án quận thi hành án, truy thu số tiền gần 533 triệu đồng. Thế nhưng, đã hơn 2 năm trôi qua, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ và Công ty Mai Bình Trân tiếp tục nợ thêm khoảng 210 triệu đồng. Tính đến nay, công ty này đã nợ BHXH trên 70 tháng với tổng số tiền 733 triệu đồng.
Tương tự, theo ông Hồ Khả Nhân, Phó giám đốc BHXH Q.Thủ Đức, Công ty TNHH tư vấn xây dựng, địa ốc Vạn Phú Thịnh đến tháng 8.2010 nợ BHXH 176 triệu đồng. TAND Q.Thủ Đức đã tuyên buộc công ty phải truy nộp đầy đủ số tiền này nhưng công ty vẫn không chấp hành.
Một kiểu đối phó khác xảy ra tại Công ty TNHH TM - SX dụng cụ y tế Đức Việt (Q.Thủ Đức). Công ty đã lập thêm một pháp nhân khác là Công ty TNHH AE. Khi BHXH Q.Thủ Đức kiểm tra thì phát hiện người lao động (NLĐ) ký hợp đồng LĐ với Công ty Đức Việt nhưng phải làm việc cho Công ty TNHH AE và bảng lương của họ cũng ở bên Công ty TNHH AE! “Điều này khiến cơ quan BHXH quận rất khó khăn trong việc truy tìm và giải quyết quyền lợi cho NLĐ. BHXH quận đã khởi kiện Công ty Đức Việt ra tòa. Dẫu vậy, dù tòa án đã triệu tập 3 lần nhưng lãnh đạo công ty vẫn không đến...”, ông Hồ Khả Nhân nói.
Trong khi đó, BHXH Q.Bình Thạnh cũng vừa nộp đơn khởi kiện 4 DN chiếm dụng tiền BHXH trên địa bàn. Đến cuối tháng 2.2011, các đơn vị này đã chiếm dụng gần 3,8 tỉ đồng BHXH, trong đó Công ty CP dịch vụ cà phê Cao Nguyên đứng đầu bảng với 2,65 tỉ đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành Q.Bình Thạnh đã làm việc với các đơn vị này và ra quyết định xử phạt 3 DN với tổng số tiền 90 triệu đồng, nhưng các DN này vẫn chưa khắc phục. Một lãnh đạo BHXH Q.Bình Thạnh cho biết đến hết tháng 2.2011, số tiền các DN trên địa bàn quận nợ BHXH bắt buộc từ 3 tháng trở lên là hơn 16 tỉ đồng. Trước đó, BHXH quận cũng đã nộp đơn khởi kiện 16 đơn vị nhưng chưa được đưa ra xét xử...
Người lao động cắn răng chịu đựng
Làm ăn khấm khá cũng nợ
Theo ông Nguyễn Trọng Nam, Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TP.HCM, trong số các DN nợ BHXH nói trên, không ít DN làm ăn khấm khá, nhưng vẫn không thực hiện chính sách cho NLĐ, như Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải TP.HCM (Cofidec) ở số 177 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, từ tháng 12.2010 đến nay không đóng BHXH, BHYT và BHTN cho NLĐ hơn 823 triệu đồng; Xí nghiệp Khảo sát tổng hợp miền Nam (ở 45 Dân Chủ, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) từ tháng 1.2011 đến nay “quên” đóng BHXH trên 620 triệu đồng;... |
Tương tự, chị T., vừa xin nghỉ làm ở Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải TP.HCM (Cofidec) ở Q.12, lo lắng: “Em sợ công ty biết rồi không giải quyết chế độ thì khổ lắm! Em đã làm ở đó 15 năm rồi nhưng nghe nói công ty còn nợ BHXH nên chưa chốt được sổ. Giờ chỉ mong sớm lãnh tiền BH hoặc trợ cấp trong khi chờ xin việc khác”.
Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Út, làm ở Công ty TNHH dệt áo len xuất khẩu Magnicon, còn bi đát hơn. Chị và chồng làm cùng công ty, từ khi chủ DN này bỏ trốn, để lại món nợ đọng lương, BHXH... của CN, cả hai bỗng dưng mất việc. Chị Út vừa sinh con nhỏ, theo quy định được hưởng chế độ thai sản nhưng “Em nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản từ cuối tháng 12.2010, nhưng không có giám đốc ký nên hồ sơ không được nộp cho BHXH để lãnh chế độ được”.
Có lẽ lo lắng của chị T. cũng là tâm lý của nhiều CN khác và điều này lý giải vì sao họ không dám đấu tranh đòi quyền lợi. Vấn đề đặt ra, vậy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ra sao mà để NLĐ quá thiệt thòi, ngân sách bị chiếm dụng...?
Lê Nga - Bảo Thiên - Minh Nam
Bình luận (0)