Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo (2)

27/11/2008 22:40 GMT+7

Mục đích phát triển đàn trâu Mura là sức kéo và sữa. Nhưng đồng ruộng bây giờ đã dùng máy, rất ít nơi cày bằng trâu, nên trâu dù hay đến bao nhiêu cũng đâu có ai cần đến nữa. Sữa trâu Mura, từ Sông Bé đến Quảng Ngãi, vắt ra đem cho các cháu nhà trẻ mẫu giáo ở làng quê, điều này là rất tốt rất nhân văn, nhưng chỉ như vậy thôi, sữa trâu không ai mua.

Kỳ 2: Lý luận về trâu Mura

Ông Hồ Giáo kéo xe cỏ vào trại, xếp từng bó vào cái kho đối diện với 4 ngăn chuồng có trâu. Bốn con trâu chồm lên phía trước khịt mũi mừng rỡ. "Đây là con Tây Trà mười tuổi, đây là con Trà Câu cũng mười tuổi, còn kia là con Cà Đam hai tuổi, con ở ngăn cuối cùng là Núi Tròn một tuổi", ông Hồ Giáo mở bó cỏ cầm một nắm đưa vào miệng con Tây Trà rồi trân trọng giới thiệu tên từng con với khách. Ông lấy tên của các địa danh Quảng Ngãi để đặt cho những con trâu của mình.

Tôi hỏi ông hồi ở Ba Vì ông có đặt tên cho những con bò hay không, ông bảo bò Ba Vì không có tên mà chỉ gọi theo số. Việc đặt tên là đặt từ lứa trâu Mura đầu tiên đến Sông Bé. Ông kể: "Sau giải phóng, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu, trong đó có 2 con Thủ tướng Ấn Độ tặng riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ba chuyến máy bay chở đàn trâu xuống sân bay Tân Sơn Nhất năm 1977. Từ đó tôi chuyển qua nuôi trâu".

 
Với Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi được phong anh hùng lần thứ nhất - Ảnh tư liệu
"Ở Sông Bé bác giữ chức vụ gì?", tôi lại hỏi một câu vô duyên. "Không. Tôi chỉ nuôi trâu thôi. Hồi ở Ba Vì tôi nuôi bò, làm đội trưởng đội 1, lãnh đạo bảo tôi làm phó giám đốc, nhưng tôi không làm được, tôi nói với mấy ổng: tôi lớn tuổi, trình độ không có, để người trẻ có trình độ làm. Về Sông Bé cũng bảo tôi làm phó giám đốc, tôi cũng không nhận. Trước khi về đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi tôi lên, có ông Viện trưởng Viện Chăn nuôi nữa. Tôi nói: đưa tôi vào làm chăn nuôi trực tiếp thì tôi làm, làm quản lý thì không". Ông bảo ở Ba Vì thời ông làm có 1.200 công nhân nhưng chỉ có 8 kỹ sư, còn ở Sông Bé công nhân có 330 người, có 30 kỹ sư. "Ở Sông Bé vắt sữa trâu mệt hơn, ở Ba Vì vắt sữa bò nhẹ hơn, nhưng bò có con trái nết nếu không khéo bị nó đá. Tính chung lại thì hai bên như nhau".

Đưa đàn trâu Mura về Sông Bé lúc ấy mục đích là phát triển nhân giống cho dân làm sức kéo và xây dựng một cơ sở làm sữa trâu, đáp ứng nhu cầu sữa cho nhân dân, vì lãnh đạo nghĩ sữa trâu rất tốt. Ông Hồ Giáo lại đem hết tài nghệ để chăm lo cho đàn trâu. Các chuyên gia Ấn Độ hồi ấy đã kinh ngạc khi chứng kiến từng con trâu do ông Hồ Giáo chăm sóc tự bước lên bàn cân để kiểm tra trọng lượng khi được gọi tên. Tại đây, ông được phong anh hùng lao động lần thứ hai (1986).

 "Đàn trâu nhân ra nhanh, nhân dân nuôi rất nhiều, có ông nuôi tới 100 con, đến lúc tôi nghỉ hưu Sông Bé có 1.404 con". Ngừng một lát, ông buồn rầu: "Nhưng bây giờ chỉ còn 40 con thôi". Nghĩ đến trâu, ông tiếc nuối, cũng như bây giờ đây ông tiếc nuối cho cái trại trâu Hành Thuận này. Điều quan trọng nhất khiến cho đàn trâu không phát triển mà ông Hồ Giáo không hiểu được: thị trường!

 
Đội mũ bảo hiểm để đi nhờ xe máy - Ảnh: H.H.V
Lấy tiếp nắm cỏ cho con Núi Tròn ăn, ông Hồ Giáo kể tiếp: "Năm 1990 tôi đến tuổi hưu. Đầu tiên tôi định ở lại thành phố (TP.HCM), một số anh bảo đừng về Quảng Ngãi làm chi cho cực, ở lại đây làm, lương tháng 800 ngàn". "Họ muốn bác làm gì?". "Cũng nuôi bò sữa. Nhưng ông Phạm Văn Đồng nghe tôi về hưu gọi ra. Ổng đưa 15 con trâu Mura về Quảng Ngãi, bảo tôi về nuôi đàn trâu, là cái trại này đây". Ông lại hào hứng: "Cái trại này lúc nhiều nhất là 20 con. Nhưng từ 15 con đầu tiên nhân ra nhiều lắm. Đẻ bao nhiêu phân cho các huyện, Nghĩa Hành bao nhiêu, Tư Nghĩa bao nhiêu… Huyện giao trâu về xã, xã giao xuống cho dân. Sông Bé trước đây cũng vậy. Xã chọn người để giao, không bán. Yêu cầu là, trâu nuôi lớn rồi phải lai tạo với trâu mình, một trâu đực phải phối cho ra 15 trâu con, một trâu cái phải đẻ 2 con. Làm được như vậy thì tất cả trâu mẹ trâu con là của anh, cho anh hết, Nhà nước không thu tiền, cũng không lấy lại trâu".

Ông nắm rất chắc những ưu điểm nhược điểm của trâu Mura so với trâu ta. Ông nói: "Lúc đầu nhiều ông già bà già chê trâu Mura: chóp đuôi có chòm lông trắng, trán cũng có chòm lông trắng. Ông bà ta coi trâu trước hết là coi xoáy, nhưng xoáy của trâu này lung tung không giống trâu ta. Còn mắt thì trâu này có con hai con mắt đều đen hết, có con mắt phải đen mắt trái trắng, bà con nói trâu này mù. Giải thích cho họ khó lắm. Tôi nói: bác đứng đó tôi đem nắm cỏ cho nó ăn xem nó có thấy không. Nó thấy và ăn hết. Giải thích mãi mấy ổng mới chịu". Ông giải thích cho dân và chứng minh trong thực tế là trâu Mura rất nhiều ưu điểm: "Trâu Mura đuôi dài, ăn khỏe. Cỏ, rơm rạ, đọt mía non, bột mì (sắn), bắp, đậu tương… thứ gì cũng ăn tuốt. Trâu này kéo cày rất tuyệt, mỗi ngày cày được 3-4 sào trong khi trâu mình chỉ cày 2 sào là cùng, thêm cái hay nữa là nó đi tới đầu bờ thì đứng lại, khác với trâu ta. Hồi xưa có ông mới nuôi đem ra cày, thấy hay dân xúm lại xem đông quá chừng. Còn kéo xe thì nó nhất, 2 con kéo bằng một chiếc công nông, xe công nông sa lầy không lên được, còn nó thì lên như không".

 

Cho trâu ăn - Ảnh: Hiển Cừ

Tôi hỏi: "Nó nhiều ưu điểm vậy tại sao không phát triển được?". Ông đáp: "Do trên. Do mấy ổng không tính toán. Cuba mỗi người dân có một con bò sữa, còn mình thì mấy ông cán bộ cả đời không đến trại chăn nuôi".

Như đã nói, ông Hồ Giáo không kịp hiểu thị trường, ông cũng không hiểu mấy những chuyện bên ngoài trại trâu. Mục đích phát triển đàn trâu Mura là sức kéo và sữa. Nhưng đồng ruộng bây giờ đã dùng máy, rất ít nơi cày bằng trâu, nên trâu dù hay đến bao nhiêu cũng đâu có ai cần đến nữa. Sữa trâu Mura, từ Sông Bé đến Quảng Ngãi, vắt ra đem cho các cháu nhà trẻ mẫu giáo ở làng quê, điều này là rất tốt rất nhân văn, nhưng chỉ như vậy thôi, sữa trâu không ai mua. Ông Hồ Giáo bảo: "Sữa trâu giá trị cao hơn sữa bò, hàm lượng bơ đến 70 phần trăm trong khi sữa bò 30, 40, nhiều nhất là 50 phần trăm; đạm đến 7 phần trăm, sữa bò cao nhất 5-6 phần trăm. Hồi ở Sông Bé mỗi ngày được cấp một lít sữa trâu, tôi uống hết". Dù nhiều người biết vậy, báo chí cũng có nói như ông Hồ Giáo, nhưng sữa trâu vẫn khó mà bán được, khó mà thành thương phẩm như sữa bò. Do thói quen, do tập tính. Tôi thầm nghĩ nếu như các nhà khoa học phát hiện trong sữa trâu có những chất rất hay, như chất chống ung thư chẳng hạn, và báo chí tuyên truyền rầm rộ về giá trị của nó, thì liệu sữa trâu có bán được không? Khó nói lắm. Thực tế là thị trường đã đẩy ông Hồ Giáo cùng với đàn trâu thu hẹp còn 4 con vào cảnh đơn chiếc, không ai ngó tới. Chỉ thỉnh thoảng mới có người đến chiêm ngưỡng, ví dụ như tôi đây.

Cho 4 con trâu ăn xong, ông Hồ Giáo bảo: "Thôi, tôi phải đi tắm. Các anh về nhé". Tôi nói chúng tôi đợi để đưa ông về. Ông vui vẻ đi tắm, rồi đi ngược lên một gian nhà phía trước trại để thay quần áo. Cuối cùng ông xuất hiện, trên đầu đội chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu "Honda" hẳn hoi. Tôi ngạc nhiên hỏi ông đi bộ thì đội mũ bảo hiểm làm gì, ông cười: "Đội để trên đường gặp ai quen đi xe máy thì đi nhờ". Hằng ngày, ông đi bộ đến trại trâu này từ năm 1991 đến nay, đi 6 km về 6 km, mỗi năm 365 ngày, kể cả chủ nhật, ngày lễ, ngày tết. Cho đến gần đây ông mới có con rể, mỗi tuần ông chỉ đi bộ… 6 ngày, thỉnh thoảng trên đường mới gặp người quen đi xe máy. Con rể ông, anh Huỳnh Ngọc Quang, là kỹ sư làm ở Dung Quất, sáng phải đi rất sớm bằng xe đưa đón công nhân, chiều lại về muộn. Chủ nhật anh mới ở nhà đưa đón bố vợ. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.