Chiêm ngưỡng bộ cánh cửa bảo vật quốc gia tại chùa Phổ Minh

Cù Hiền
Cù Hiền
31/03/2024 16:36 GMT+7

Bộ cánh cửa tại chùa Phổ Minh thể hiện được kiến trúc, mỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc thời Trần. Từ đó phản ánh về sự hưng thịnh của Phật giáo thời kỳ này.

Chùa Phổ Minh (còn được gọi là chùa Tháp) tọa lạc tại P.Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích quốc gia vào năm 1962 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Chiêm ngưỡng bộ cánh cửa bảo vật quốc gia tại chùa Phổ Minh- Ảnh 1.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, bộ cánh cửa gồm có 4 tấm tại chùa Phổ Minh là phiên bản được dựng theo tỉ lệ 1:1 so với bản gốc (bộ cánh cửa gốc; 2 cửa giữa đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 2 cửa bên đặt tại Bảo tàng tỉnh Nam Định)

CÙ HIỀN

Theo sử sách ghi lại, chùa Phổ Minh được dựng vào thời Lý (khoảng năm 1010 – 1225). Khi nhà Trần lên ngôi trị vì đất nước, năm 1262 đã cho tu sửa ngôi chùa với quy mô khang trang và bề thế hơn. Trong những năm của thế kỷ XIII, XIV, chùa là nơi tu hành của quan lại và quý tộc cao cấp triều Trần.

Trải qua nhiều năm, chùa Phổ Minh vẫn giữ được nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật, một trong những hiện vật cổ mang nhiều giá trị lịch sử là bộ cánh cửa gồm 4 cánh giữa tòa tiền đường của chùa.

Chiêm ngưỡng bộ cánh cửa bảo vật quốc gia tại chùa Phổ Minh- Ảnh 2.

Hai cánh cửa bên được đặt tại Bảo tàng tỉnh Nam Định

CÙ HIỀN

Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, hiện nay, bộ cánh cửa gồm có 4 tấm tại chùa Phổ Minh là phiên bản được dựng theo tỉ lệ 1:1 so với bản gốc; bộ 4 cánh cửa gốc gồm có 2 cánh giữa đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 2 cánh bên đặt tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Bộ cánh cửa này được làm bằng gỗ lim, nguyên khối; mỗi tấm cao 1,90 m, rộng 0,80 m. Mỗi cánh cửa đều có chân quay ở hai đầu của cùng phía trong. Để cánh cửa hoạt động, các chân quay ở phía trên được khớp với các lỗ chân quay trên "bậu cửa" ăn mộng với xà hạ. Các chân quay phía dưới ăn mộng với bốn cối quay bằng đá xanh.

Chiêm ngưỡng bộ cánh cửa bảo vật quốc gia tại chùa Phổ Minh- Ảnh 3.

Trên mỗi cánh cửa đều có một hình rồng uốn trong một nửa chiếc lá bồ đề. Khi hai cánh cửa giữa khép lại tạo thành một chiếc lá bồ đề hoàn chỉnh; còn hai cánh cửa bên khi khép lại là hai nửa chiếc lá bồ đề đối xứng hai bên

CÙ HIỀN

Trên 4 cánh cửa, mỗi cánh đều được trang trí một con rồng đầu ngẩng cao, thân uốn khúc. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Trong số 4 con rồng, hai con rồng lớn miệng há, bờm và râu bay lên tạo mây lửa, thân rồng mập tròn cuốn thành khúc nhỏ dần về đuôi. Rồng trong tư thế cuộn trong hình lá đề, xung quanh chấm mây lửa, giữa là bông sen nở. Phần dưới chạm bông hoa cúc nở đối xứng, phía trên chạm lá đề, cánh sen kép, hàng dưới chạm sóng nước.

Trên mỗi cánh cửa đều có một hình rồng uốn trong một nửa chiếc lá bồ đề. Khi hai cánh cửa giữa khép lại tạo thành một chiếc lá đề hoàn chỉnh, hai cánh cửa bên khi khép lại là hai nửa chiếc lá đề đối xứng hai bên, gợi cảm giác có nhiều hình tượng rồng và lá đề trên bộ cánh cửa. 

Lá bồ đề là một biểu tượng Phật giáo rất phổ biến dưới thời Lý, Trần. Rồng là biểu hiện cho quyền lực của nhà vua. Qua chủ đề trang trí này ta thấy vương quyền và thần quyền đã hòa quyện với nhau trong một chế độ mà Phật giáo gần như đã trở thành quốc giáo và nhà vua đã trở thành giáo chủ của một phái Thiền mới trong đạo Phật Việt Nam, đó là thiền phái Trúc Lâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.