Với chủ đề Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh, triển lãm giới thiệu 12 tác phẩm áo dài cung đình như áo xiêm, áo rộng màu đỏ lửa lựu, áo gấm xanh rêu, áo dài lụa vân xanh, áo dài gấm the… Đây là lần đầu tiên những bộ áo dài xưa của GS-TS Thái Kim Lan trưng bày tại cố đô Huế, nơi được xem là nguồn cội của những chiếc áo dài cung đình.
|
Triển lãm không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của trang phục, mà còn mang tới nhiều thông tin, những câu chuyện của từng bộ áo dài cũng như người sở hữu, cách mặc, các dịp được sử dụng, cách gìn giữ...
Bên cạnh đó, triển lãm còn trình chiếu những đoạn đối thoại hư cấu sự bảo tồn về thời gian và ý nghĩa của áo dài trong cuộc sống của họ. Tám nhân vật chưa từng quen biết nhau như người nữ tì 95 tuổi phục vụ Hoàng hậu triều Nguyễn, một cô sinh viên 19 tuổi, nhà sử học… cùng trò chuyện trong một đoạn phỏng vấn ghép. Các sắp đặt, trưng bày và video đều do nghệ sĩ Đức Veronika Witte thực hiện.
|
Những chiếc áo dài được trưng bày trong một căn phòng sắp đặt đa phương tiện công phu, cùng với những vật dụng thường và các video sắp đặt khác. Một nét độc đáo của triển lãm lần này là sàn bước đi được ghép từ 2.000 chiếc đòn gánh bằng tre mang lại sự thích thú cho công chúng.
Theo GS-TS Thái Kim Lan, bộ sưu tập này được xem như vết cắt một mảng đời 100 năm áo dài Việt Nam nói chung và áo dài Huế nói riêng. Gọi là áo dài xưa trước hết vì chúng nằm trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XIX đến XX. Sau nữa, xưa để phân biệt với áo dài cách tân trong thời mới (khoảng năm 1930) còn gọi là áo dài tân thời do họa sĩ tiên phong của trào lưu cách tân giải phóng Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu và quảng bá chiếc áo dài thon gọn hơn nhấn mạnh đường nét thân thể và vạt áo dài hơn, người đương thời gọi là áo Cát Tương hay áo Le Mur. Ngoài ra cũng để phân biệt với những áo dài hở cổ trần, thắt eo lưng ong do đạo diễn Thái Thúc Nha phát minh từ năm 1960, bắt đầu mốt thời trang đa sắc của thời hiện đại.
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)