Chiến binh không dùng súng

10/10/2021 05:00 GMT+7

Giáo sư Từ Giấy là một chiến sĩ cách mạng, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ , giành nhiều chiến công qua các cuộc kháng chiến, dùng tri thức khoa học của mình xây dựng nền tảng dinh dưỡng cho dân tộc Việt.

Giáo sư (GS) Từ Giấy được giới khoa học, y học, dinh dưỡng học thân thương gọi là cha đẻ của ngành dinh dưỡng Việt Nam, thế giới vinh danh là “Huyền thoại của ngành dinh dưỡng thế giới”,

Liên Hiệp Quốc vinh danh là “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”... Dù vậy, ông hoạt động khoa học rất thầm lặng, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn là dinh dưỡng mà còn dẫn đầu trong nhiều chuyên ngành khác.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Từ Giấy, câu chuyện về người anh hùng Từ Giấy được tái hiện, với nhiều chi tiết chưa từng kể, qua lời thuật của cựu phi công Từ Đễ - anh hùng lực lượng vũ trang, con trưởng của cố GS Từ Giấy.

GS Từ Giấy chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sinh nhật 90 của Đại tướng

tư liệu gia đình

Giỏi toán, nhưng học y

Thật khó để tóm tắt khái niệm “giỏi” khi nhắc về người anh hùng Từ Giấy, bởi ở lĩnh vực nào, từ chuyện được đào tạo chính quy hay tự học, ông đều đạt ngưỡng xuất chúng. Kể về thời thơ ấu của cha mình, ông Từ Đễ nhớ lại: “Cụ thân sinh tôi xuất thân trong một gia đình nghèo ở phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, lên 2 tuổi mồ côi cha, nhưng trời phú cho cụ trí thông minh, thi đâu đỗ đấy. Khi lên Hà Nội học Trường Bưởi, ông đứng đầu về toán, đỗ tú tài xuất sắc, rồi ghi danh học trường y”.

GS Từ Giấy (10.10.1921 - 27.9.2009), người thôn Khê Hồi, phủ Thường Tín, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông là Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, đạt giải thưởng cấp Nhà nước về Khoa học công nghệ. Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất và nhì, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhất và nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhì.

Nói đến đam mê toán học của cụ Giấy, trong gia đình vẫn lưu truyền câu chuyện ở tuổi 80, ông thong thả hướng dẫn cháu nội giải bài toán khó về tích phân mà chẳng gặp tí khó khăn gì. Thắc mắc câu chuyện giỏi toán nhưng lại học ngành y, qua giải thích của ông Từ Đễ, thì ra ở thời Pháp thuộc, có 3 nghề được xã hội gọi là “thầy”: thầy giáo (thầy đồ), thầy thuốc và... thầy bói! Trong 3 ông thầy ở xã hội lúc ấy, thầy đồ gán với sự nghèo, thầy bói thì mưu mô với bói ra ma quét nhà ra rác..., riêng thầy thuốc sáng giá hơn cả, vì cả xã hội, kể cả hai ông thầy còn lại kia cũng đều cần. Toàn xứ Đông Dương lúc ấy chỉ xấp xỉ 100 bác sĩ nên hành được nghề thầy thuốc, phải thực sự giỏi. Đó là lý do cụ Giấy quyết định ghi danh học ngành y.

Cái giỏi của thầy thuốc thời thuộc Tây, thể hiện rõ qua hình thức đào tạo, học y nhưng đức cũng phải vẹn toàn. Cùng ghi danh vào trường y có đến 200 người, một năm sau chỉ còn 40 người, đến cuối khóa cụ Giấy khi ra trường, chỉ còn lại khoảng 7 - 10 người, cho thấy sự sàng lọc thực sự gắt gao và khắc nghiệt của ngành y khi chỉ với khoảng 5% tốt nghiệp.

Kháng chiến chống Pháp ngày càng quyết liệt với sự lan tỏa từ thành công của Cách mạng Tháng Tám, khi tốt nghiệp trường y, GS Từ Giấy mang hoài bão, kiến thức, lòng quyết tâm theo cách mạng vào cuộc chiến ở mặt trận Khánh Hòa - Nha Trang (còn rất hoang sơ, dân nghèo, lạc hậu, hổ dữ ban đêm về tận nơi đồn trú) với vai trò là y sĩ phẫu thuật phục vụ trong trạm quân y tiền phương. Cùng sống đời quân nhân, thầy thuốc Từ Giấy càng thấu hiểu gian nan của người lính, đối mặt với thiếu thốn trăm bề trước cái đói, cái hiểu biết hạn hẹp về vấn đề vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh.

Bác sĩ Từ Giấy đứng đọc báo tuyên truyền giữ gìn sức khỏe chiến trường

Phòng bệnh cứu người

Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy thuốc Từ Giấy vào chiến trường, với vai trò là Trưởng ban Phòng bệnh quân đội tại mặt trận Điện Biên Phủ. Và ông là thiểu số những chiến sĩ tham gia mặt trận ấy, không một khẩu súng bên mình. Đại tá Từ Đễ xác nhận: “Bố tôi vào chiến trường, vũ khí với ông chỉ có con dao để thái rau, thái thịt, còn đưa súng ông không bao giờ cầm”. Nguyên do được lý giải: “Bàn tay của bố chỉ làm việc cứu người, không phải để giết người”.

Nói thêm về chi tiết đôi tay bố mình, ông Từ Đễ miêu tả thêm: “Tay bố tôi lạ lắm, không như người bình thường, tôi nhớ như in tay ông mềm, ngón búp măng, và đẹp lắm”. Chính đôi tay ấy đã dốc hết tài lực chăm lo bảo vệ sức khỏe cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi vẻ vang cuộc chiến. Sự thành công ấy được Từ Giấy đúc kết: “Công tác động viên tinh thần chiến đấu hiệu quả nhất là chiến sĩ được ăn no và trạm phẫu toàn bác sĩ giỏi ở gần tuyến xuất phát tiến công”.

Một câu chuyện ở trận địa Điện Biên Phủ gắn với cuộc đời khoa học của GS Từ Giấy, ấy là ông lập ra 10 điều kỷ luật giữ gìn sức khỏe chiến trường, trong đó có chuyện chiến sĩ phải sử dụng khẩu trang dày 8 lớp vải khi đánh trận, phòng địch rải chất độc hóa học và vũ khí sinh học. Lúc đó quân đội chưa có khái niệm sử dụng khẩu trang.

GS Từ Giấy bằng kiến thức và nghiên cứu chiến tranh, ông nhận ra sự nham hiểm của kẻ thù, chúng sẵn sàng sử dụng chất độc hóa học vào chiến trận. Bởi trước đó Mỹ từng ném bom nguyên tử xuống Nhật, trận Điện Biên Phủ thì Mỹ đứng sau lưng Pháp, và đã chuẩn bị sẵn cả vũ khí nguyên tử. Ông nhìn ra điều đó nên đã đưa khẩu trang vào thành kỷ luật để bảo vệ sức khỏe chiến sĩ. Điều luật này khiến nhiều người cho là thừa, không cần thiết, nhưng được Tổng tư lệnh chiến dịch là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng thuận. Từ 10 điều GS Từ Giấy đề xuất, tướng Giáp khi xem xong đã thêm vào một điều là khen thưởng, trở thành 11 điều kỷ luật giữ gìn sức khỏe chiến trường cho quân đội ta.

Chí khí anh hùng

Bám sát mặt trận Điện Biên Phủ cho đến ngày chiến thắng, lượng tù binh Pháp quá lớn với hơn 11.000 quân, gần phân nửa đang bị thương, Từ Giấy trong vai trò của Trưởng ban Phòng bệnh cho Quân đội Việt Nam, chỉ đạo tổng vệ sinh chiến trường. Trong khi bộ phận y tế phía binh sĩ Pháp chờ đợi việc tiếp tế thuốc khử khuẩn, tẩy độc,

Từ Giấy ước tính để làm cả chiến trường thì không gì kham nổi, và chờ đợi không biết đến bao giờ thuốc mới đến, nên ông dùng phương pháp khử khuẩn cổ truyền là đục đá nung vôi, rải khắp chiến trường, hạn chế lây lan dịch bệnh, đồng thời tập hợp tù binh, chữa trị, chăm sóc... dựa trên chỉ thị của Hồ Chủ tịch: “Hãy cứu chữa và săn sóc họ, vì họ là người thua trận”.

Khi tù binh Pháp lập trại, GS Từ Giấy chăm lo sức khỏe, vệ sinh cho tù binh bằng cách dùng tre nứa đập dập làm sạp nằm tránh ẩm thấp, điều phối tù binh tham gia lao động hun khói đuổi muỗi, giặt quần áo phơi nắng, chống rận, chống các bệnh truyền nhiễm lây lan. Dọn dẹp vệ sinh trận địa cho đến khi bàn giao tù binh, “chiến sĩ” Từ Giấy mới rời khỏi mặt trận, hành trang ông mang là một ba lô đầy thư từ, hình ảnh của binh sĩ Pháp đã tử thương, trong quá trình làm vệ sinh chiến địa ông nhặt được và giữ lại với mục đích sẽ có ngày trả về đúng nơi cần. Tiếc rằng khi đưa ba lô ấy về cất tại bảo mật Cục Quân y, số tài liệu bị người phụ trách hủy mất vì thấy... chẳng có gì giá trị.

Những tư tưởng, việc làm tưởng nhỏ bé, thậm chí lạc lõng với thời cuộc, nhưng hơn hết thể hiện ở đó tinh thần nhân văn của con người tự do, luôn sẵn lòng đem tri thức của mình dốc tâm phục vụ cho Tổ quốc, cho con người, bất kể bạn hay thù. Chí khí ấy, như một chân lý, xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp người anh hùng Từ Giấy.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.