Chiến đấu cơ Nga suýt va chạm với máy bay do thám Mỹ

11/04/2015 13:38 GMT+7

(TNO) Một chiến đấu cơ Su-27 của Nga bay sát và suýt va chạm với máy bay do thám RC-135U của Mỹ trong tuần này, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.

(TNO) Một chiến đấu cơ Su-27 của Nga bay sát và suýt va chạm với máy bay do thám RC-135U của Mỹ trong tuần này, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.

Chiến đấu cơ Su-27 của Nga - Ảnh: AFP
Chiếc Su-27 chặn chiếc RC-135U trong không phận quốc tế ở vùng biển Baltic vào ngày 7.4, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 10.4.
“Vào sáng 7.4, một máy bay RC-135U bay theo lộ trình thường lệ trong không phận quốc tế bị máy bay Su-27 chặn một cách không an toàn và không chuyên nghiệp”, nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eileen M. Lainez cho hay.
“Mỹ phản ánh vụ việc này với Nga thông qua các kênh chính thức và ngoại giao phù hợp”, bà Lainez cho biết thêm.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết chiến đấu cơ Su-27 bay áp sát, cách máy bay RC-135U (không có vũ trang) khoảng 6m, gọi đây là hành động “khinh suất” đe dọa tính mạng của phi hành đoàn trên RC-135.
Hiện vẫn chưa rõ RC-135U đang thực hiện sứ mạng gì trên vùng biển Baltic. Nhưng theo The Washington Free Beacon, RC-135U từng được giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động quân sự của Nga ở miền tây nước Nga và tỉnh Kaliningrad (Nga). Và Mỹ đã triển khai RC-135U do thám Nga sau khi Moscow triển khai tên lửa Iskander có thể mang đầu đạt hạt nhân đến Kaliningrad và Crimea hồi tháng 3.2015.
RC-135 là một kiểu máy bay Boeing 707 được nâng cấp và quân sự hóa, có thể tiến hành các hoạt động do thám, thu thập thông tin tình báo. RC-135U là một phiên bản của RC-135.
Một quan chức quốc phòng Mỹ khác cho biết hiện chưa xảy ra những vụ máy bay quân sự Nga xâm phạm không phận gần bờ biển Mỹ, nhưng Moscow dự kiến tăng cường những hoạt động bay huấn luyện vào thời điểm này trong năm. “Điều này có nghĩa đã đến lúc chúng ta phải sớm đối phó”, vị quan chức này cho hay.
Gần đây, hôm 24.3, hai chiến đấu cơ Su-27 cùng hai máy bay ném bom Tu-22 lờn vờn ở vùng biển Baltic. Các máy bay này đã cố tình tắt hết thiết bị gửi tín hiệu xuống mặt đất để các đài kiểm soát không lưu không thể giám sát được đường bay. Tuy nhiên, các chiến đấu cơ Thụy Điển đã chặn các máy bay này. Trước đó, các máy bay quân sự Nga bao gồm máy bay ném bom Tu-95 đã bay áp sát bờ biển Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Máy bay do thám RC-135U - Ảnh: Reuters
Đô đốc William Gortney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, đã bày tỏ quan ngại về việc Nga bành trướng sức mạnh quân sự, tăng cường những chuyến bay quân sự và tăng cường những hành động gây hấn, trong một buổi họp báo trùng vào ngày xảy ra vụ Su-27 suýt va chạm RC-135.
Việc Nga điều động các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân cho thấy Moscow muốn gửi thông điệp đến Mỹ rằng họ là “cường quốc quân sự mang tính toàn cầu”, theo ông Gortney.
“Và vì thế chúng theo dõi sát sao những gì Nga đang làm. Phía Nga cũng cần phải tuân thủ luật lệ quốc tế đối với tất cả máy bay của họ”, ông Gortney cho hay.
Ông Eric Edelman, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về chính sách, cho biết những vụ việc gần đây chỉ là một phần trong chuỗi những hoạt động gây hấn của Nga bắt đầu vào năm 2007, khi đó Moscow bắt đầu phản đối việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Những hoạt động gây hấn này bao gồm trên không và dưới biển, nhằm gửi thông điệp họ vẫn là một cường quốc vũ khí hạt nhân, theo ông Edelman.
Ông Edelman nhận định Nga đang gửi thông điệp “chúng tôi vẫn ở đây, chúng tôi vẫn là một cường quốc quân sự quan trọng, một cường quốc vũ khí hạt nhân” và Moscow muốn hăm dọa các nước Baltic (Latvia, Lithuania và Estonia), Thụy Điển và Phần Lan.
Một báo cáo gần đây của tổ chức European Leadership Network (Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu) cho biết, trong năm 2014, các máy bay NATO chặn các máy bay Nga trên 100 lần, cao gấp ba lần so với năm 2013, trong đó, có 11 vụ máy bay Nga “chạm trán” với máy bay NATO được mô tả “là hung hăng và gây hấn bất thường”.
Cũng theo báo cáo này, Nga tiến hành những chuyến bay quân sự “gây hấn” được cho là nhằm kiểm tra năng lực phòng không của NATO và châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.