Chiến đấu cơ tàng hình tương lai của Nhật

04/02/2016 17:30 GMT+7

Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm mẫu chiến đấu cơ tàng hình mới để làm cơ sở phát triển khí tài chủ lực thế hệ tiếp theo cho Lực lượng phòng vệ trên không.

Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm mẫu chiến đấu cơ tàng hình mới để làm cơ sở phát triển khí tài chủ lực thế hệ tiếp theo cho Lực lượng phòng vệ trên không.

Chiến đấu cơ tàng hình X-2 tại nhà máy của Mitsubishi Heavy Industries - Ảnh: AFPChiến đấu cơ tàng hình X-2 tại nhà máy của Mitsubishi Heavy Industries - Ảnh: AFP
Dự kiến vào giữa tháng 2, Công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) sẽ bắt đầu cho phiên bản mẫu của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới X-2 bay thử nghiệm, theo tờ Nikkei Asian Review. Đây là lần đầu tiên Nhật tự phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới có khả năng tàng hình và nhiều đặc tính vượt trội khác với mục tiêu đầu tiên là thay thế phi đội F-2, chiến đấu cơ chủ lực của Lực lượng phòng vệ trên không hiện nay.
Cơ động hơn F-35
Khi được trình làng tại nhà máy của MHI hôm 28.1, bản mẫu X-2 có thân dài 14,2 m và sải cánh 9,1 m, hơi nhỏ so với phiên bản dự kiến đưa vào sản xuất, theo tờ Asahi Shimbun. Do vẫn còn là bản mẫu để thử nghiệm nên MHI chưa cho biết chi tiết về tốc độ, lớp giáp tàng hình và vũ khí. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật (TRDI) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật đã công bố những công nghệ cực kỳ tân tiến sẽ được trang bị cho phi cơ này.
X-2 sử dụng hệ thống điều hướng lực đẩy (TV) giúp máy bay có thể nhanh chóng tăng tốc theo hướng mong muốn chỉ trong khoảnh khắc. TV từng được áp dụng cho mẫu X-31 được Mỹ hợp tác sản xuất cùng Đức và cho đến nay vẫn được đánh giá là chiến đấu cơ thử nghiệm cơ động nhất trên thế giới. Nhờ vậy, X-2 được kỳ vọng sẽ sở hữu khả năng duy trì tình trạng bay có kiểm soát ngay cả khi hoạt động trong những góc tấn công cực khó.
Bên cạnh đó, theo chuyên trang Defensetech, toàn bộ dữ liệu trong hệ thống kiểm soát bay sẽ được truyền tải bằng cáp quang nhằm tăng tốc độ cũng như không bị ảnh hưởng bởi nhiễu động điện từ.
Một đặc điểm vượt trội khác là nhờ công nghệ kiểm soát bay tự điều chỉnh do Nhật phát triển, X-2 có thể tự động phát hiện trục trặc hoặc hư hỏng trên các bề mặt điều khiển bay để có thể điều chỉnh thích hợp.
Biên tập viên Dave Majumdar của chuyên san The National Interest nhận định về cơ bản, X-2 tương tự mẫu X-35 của Lockheed Martin, vốn là cơ sở để Mỹ phát triển thành chiến đấu cơ F-35. Tuy nhiên, với các năng lực kể trên, Giám đốc dự án TRDI Takahiro Yoshida khẳng định với Nikkei Asia Review: “F-35 không có tính cơ động cao, trong khi X-2 vừa tàng hình vừa vô cùng linh hoạt”.
Kế nhiệm F-22?
Theo Asahi Shimbun, sau khi bay thử nghiệm khoảng 200 giờ, MHI sẽ giao X-2 cho Cơ quan Hậu cần, Công nghệ và Mua sắm quốc phòng (ATLA) của Bộ Quốc phòng Nhật vào cuối tháng 3. Cơ quan này sẽ tiếp tục đánh giá trong vòng khoảng 1 - 2 năm và đến tháng 3.2019, Nhật sẽ quyết định sẽ tự hoàn chỉnh X-2 hay bắt tay với các quốc gia khác trong một dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 do nước này dẫn đầu. Giới chức Tokyo cho hay họ đã trao đổi thông tin về X-2 với một số bên nhưng không cung cấp chi tiết.
Nhiều chuyên gia nghiêng về khả năng thứ hai hơn vì sẽ phần nào giảm gánh nặng chi phí đồng thời tăng cơ hội xuất khẩu. Tờ The New York Times dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng sau gần 50 năm bị trói buộc bởi luật cấm xuất khẩu vũ khí, vốn vừa được dỡ bỏ hồi tháng 7.2015, các tập đoàn công nghệ quốc phòng Nhật thiếu kinh nghiệm, vị thế lẫn quan hệ trong thị trường vũ khí thế giới. Do đó, đối với Tokyo, hợp tác cùng phát triển sẽ có lợi cho xuất khẩu khí tài hơn là cạnh tranh trực tiếp.
Theo chuyên gia Majumda, đối tác thích hợp nhất chính là Mỹ khi nước này cũng đang khởi động dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 để thay thế máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor cũng như chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18E/F Super Hornet.
Đàn em của “thần phong”
Chiến đấu cơ X-2 là sản phẩm của MHI, tập đoàn quốc phòng lớn nhất Nhật Bản và đã sản xuất rất nhiều loại khí tài chủ lực cho nước này từ trước Thế chiến 2 đến nay. Đặc biệt chiếc Mitsubishi A6M Zero được các chuyên gia đánh giá là một trong những chiến đấu cơ lợi hại nhất Thế chiến 2. Máy bay này giúp Nhật Bản giành ưu thế gần như tuyệt đối trên không trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và đóng vai trò nổi bật trong trận Trân Châu Cảng năm 1941. Vào thời điểm Nhật sắp bại trận, Zero vẫn tiếp tục gây kinh hoàng khi được sử dụng trong các chiến dịch tấn công cảm tử kamikaze (thần phong). Đến nay, người Nhật vẫn xem Zero là một trong những biểu tượng cho sự tiến bộ về công nghệ của họ, theo AP.
Một chiếc Zero được phục chế bay biểu diễn tại Nhật ngày 27.1 - Ảnh: AFP

Trung Quốc vật lộn với công nghệ động cơ máy bay
Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã tự phát triển nhiều mẫu máy bay quân sự được truyền thông nước này quảng bá là không thua kém Nga và phương Tây. Trong đó, chiếc J-31 được mô tả là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 có thể sánh với F-22 Raptor, F-35 của Mỹ hay T-50 (Nga). Tuy nhiên, Reuters dẫn lời nhiều chuyên gia và nguồn tin quân sự từ Bắc Kinh nhận định công nghệ động cơ của Trung Quốc đi sau các đối thủ rất nhiều, khiến máy bay nước này thua sút đáng kể. Do lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của phương Tây, Trung Quốc phải tự mày mò phát triển hoặc sử dụng động cơ do Nga đồng ý bán và dĩ nhiên Moscow cũng không “dại gì” chuyển giao các sản phẩm tốt nhất của mình.
Các nguồn tin Trung Quốc tiết lộ với Reuters rằng do động cơ yếu kém, máy bay tàng hình J-20 và J-31 không thể đạt vận tốc siêu thanh như F-22 và F-35 nếu không sử dụng bộ đốt tăng lực. Tuy nhiên, sử dụng thiết bị này thì lại vô hiệu hóa khả năng tàng hình. Do đó, theo các chuyên gia, chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ rất bất lợi nếu đối đầu với máy bay Mỹ hoặc Nhật ở Biển Đông hay Hoa Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.