Hai chú chó mang bảng hiệu: “Tôi không phải đồ nhậu” trong cuộc vận động chữ ký nhằm bảo vệ động vật hôm 3-9 - Ảnh: Bangkok Post |
Trong chiến dịch này, các chú chó đã được đeo các biểu ngữ với dòng chữ “Tôi không phải đồ nhậu”, “Hãy bỏ tù những tên ăn cắp chó”, “Chó là bạn, không phải là thứ để ăn”, “Động vật bị thiệt thòi vì (lỗ hổng trong) luật pháp Thái Lan”, “Không đối xử thô bạo với động vật”...
Nỗi bức xúc này đã dâng trào khi những người dân xã Phang Khon, tỉnh Nakhon Phanom tố cáo với cảnh sát về một nhóm người đi trên những chiếc xe bán tải thường xuyên bắt trộm chó trên đường làng. Lần theo dấu vết, tháng 8-2011 cảnh sát Thái Lan đã bắt được một băng mua bán chó cùng với tang vật là 1.800 chú chó đang được nhốt trên bốn chiếc xe tải ở gần hai huyện Na Thom và Si Songkhram ở tỉnh Nakhon Phanom.
Các chú chó được giải cứu và được đưa đến trung tâm chăm sóc thú vật của tỉnh. Không may sau đó, gần 1.000 con bị chết vì suy dinh dưỡng. Nguyên nhân do trung tâm không thể nấu và cho chó ăn cơm như khi được nuôi ở các gia đình mà là ăn thức ăn dạng viên.
Đến nước này, sự việc đã được dư luận đặc biệt chú ý từ nhiều phía. Những người yêu chó ở Thái đã xuống đường biểu tình, bởi họ đã đóng góp 20,7 triệu baht (tương đương 14,3 tỉ đồng) để giúp trung tâm trên chăm sóc 1.800 chú chó này để “những người bạn tốt” thoát khỏi nguy cơ bị đưa lên bàn nhậu. Sau khi báo chí đưa tin về vụ 1.800 chú chó bị bán và tỉnh Nakhon Phanom đã ban hành lệnh cấm xuất chó sang các nước láng giềng, 500 người Thái không yêu chó và có lợi ích từ việc buôn bán chó trong tỉnh cũng xuống đường phản đối.
Nạn bắt trộm chó đã diễn ra từ lâu ở Thái Lan. Tha Rae nằm ở tỉnh Sakon Nakhon thuộc vùng đông bắc Thái Lan là một địa chỉ chuyên cung cấp chó sống và thịt chó cho nhu cầu trong và ngoài Thái Lan. Những tay lái chó kiêm trộm chó đi lùng sục ở nhiều tỉnh miền bắc và đông bắc Thái Lan để mua hay bắt trộm chó đem về bán ở Tha Rae.
Những tay trộm chó khai họ làm nghề bán chó. Do giá mua chó gần đây tăng lên gấp đôi mà vẫn khó mua nên phải đành đi trộm. Một người từng mua bán chó đề nghị giấu tên cho biết giá chó mua với người dân từ 4-5 USD đã tăng lên 7-8 USD/con. Tại chợ Tha Rae giá được đẩy lên đến 14-17 USD/con do cộng thêm chi phí vận chuyển và trung gian. Và khi được chuyển sang nước khác, giá vọt lên đến 17-30 USD/con.
Ngành chăn nuôi Thái Lan là cơ quan duy nhất có thể sẽ cấp giấy phép buôn bán chó nhưng khẳng định chưa từng có ai xin giấy phép này. Trong khi đó, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh lại không coi chó là động vật có thể bán lấy thịt. Nhiều người mua bán chó bị kẹt ở giữa vì không có quy định nào cụ thể về nghề này, do đó họ cho rằng không hề vi phạm luật pháp hiện hành.
Bốn xe chở chó bị tịch thu và bị phạt vì tội buôn bán, vận chuyển động vật bất hợp pháp, đối xử tàn bạo với động vật. Hình phạt cho việc buôn bán động vật bất hợp pháp tối đa là 2 năm tù hoặc phạt tiền đến 1.300 USD.
Tế bào gốc cứu động vật tuyệt chủng
Khỉ mặt xanh - loài khỉ đang sống ở Tây Phi - cùng với tê giác trắng đều đang gặp nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị thu hẹp và nạn săn bắn trái phép. Nhưng “mối lương duyên” mới giữa kỹ thuật bảo tồn và sinh học hiện đại đã giúp các nhà khoa học tạo ra tế bào gốc từ hai sinh vật đang gặp nguy hiểm, có thể giúp con người đảm bảo được sự tồn tại của chúng trong tự nhiên. Trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết tế bào gốc của chúng có thể được can thiệp để trở thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Nếu chúng có thể trở thành trứng và tinh trùng, người ta có thể tạo ra các con vật trong ống nghiệm. Cho dù từ nay đến lúc thực hiện được còn rất xa nhưng Jeanne Loring - trưởng nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về tế bào gốc ở California - cho biết ông đã có kết quả rất khích lệ từ thử nghiệm thành công một cách bất ngờ đối với tế bào tê giác.
|
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)