Khủng hoảng ngoại giao giữa Iraq và Ả Rập Xê Út khiến tình hình Bắc Phi và vùng Vịnh càng thêm căng thẳng, phức tạp. Nhưng trước hết, nó cho thấy hai nước này, dù đều là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực, đang ngày càng thêm cách biệt, càng thêm không tin nhau và thậm chí đã đề phòng, đối phó nhau.
Nguyên cớ chính chủ yếu từ phía Ả Rập Xê Út. Nước này hành quyết một giáo sĩ nổi tiếng dòng Shiite và bị cáo buộc phân biệt đối xử với người Hồi giáo Shiite. Tiếp đó lại đến những phát ngôn gây tranh cãi của Đại sứ Ả Rập Xê Út ở Iraq khiến Baghdad đề nghị Riyadh rút ông này về nước nếu không muốn bị trục xuất. Nhưng nguyên cớ cũng có phần ở phía Iraq với việc để cho người Hồi giáo dòng Sunni có đại diện quá ít ỏi trong chính phủ, bởi có quan hệ thân thiện với Iran mà Ả Rập Xê Út hiện coi như kẻ thù. Iraq cũng ủng hộ người Houthi và chính quyền cũ ở Yemen, vốn đang là đối thủ lớn của Ả Rập Xê Út.
Trong chuyện này, Iraq cũng khó xử nhưng có lợi thế là sự hậu thuẫn của Mỹ còn Ả Rập Xê Út trong tình thế khó khăn hơn. Vương quốc này vừa gây chiến ở nơi xa - với Yemen và Iran - vừa luôn lo ngại láng giềng gần là Iraq và Syria. Thực chất ở đây là nỗi lo thất thế trong cuộc ganh đua với Iran giành vai trò cường quốc khu vực và vị thế lãnh đạo thế giới Hồi giáo cũng như canh cánh về nguy cơ người Shiite nổi dậy. Ả Rập Xê Út có tham chiến ở nơi xa hay găng với láng giềng cũng chỉ bởi những mối lo này.
Bình luận (0)