Không có nhiều ý kiến nặng về phê phán VFF, cuộc hội thảo góp ý chiến lược phát triển bóng đá VN tại TP.HCM hôm qua xoáy vào nhiều vấn đề trọng tâm hơn.
Nhiều đại biểu dự hội thảo rất tâm đắc khi nguyên Phó chủ tịch LĐBĐ VN Trần Văn Mui đưa ra bản góp ý dự thảo chiến lược phát triển bóng đá VN đầu tiên giai đoạn 2001-2010 và so sánh với bản chiến lược hiện nay khi về cơ bản không có nhiều điểm mới, nếu không muốn nói có những vấn đề còn thiếu thực tế, chưa có tính khả thi. Hơn 10 năm trước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bản góp ý dự thảo gửi ngày 6.10.2000 đã chỉ ra nhiều vấn đề sát sườn, trong đó có quan điểm làm bóng đá của ngành TDTT là phải đẩy mạnh xã hội hóa và phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của người dân.
|
Muốn làm được vậy, phải khẩn trương hình thành nền bóng đá chuyên nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng tốt cơ sở vật chất dành cho bóng đá và phải chú trọng đến công tác đào tạo trẻ, đồng thời nhấn mạnh nhà nước không nên bao cấp từ con người cho đến tài lực của bóng đá VN. Khi đó, bản dự thảo này cũng đã được gửi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và đã nhận được sự góp ý 11 điểm của tổ chức này, trong đó có cả chuyện bản quyền truyền hình. Nghĩa là bản chiến lược của hơn 10 năm trước đã định hướng tường tận lộ trình cho bóng đá VN, nhưng tất cả đã không được ngành TDTT và LĐBĐ VN triển khai thực hiện, nên bây giờ lại viết lại, lấy ý kiến tiếp rồi nhiều người tự hỏi không biết sau cuộc hội thảo này khi Chính phủ đã phê duyệt, ngành TDTT và LĐBĐ VN sẽ thực hiện đến đâu, hay lại rơi vào tình trạng 10 năm sau lại đem ra bàn tiếp.
Chính vì thế, các phát biểu đa phần đều nhấn mạnh đến việc phải có chính sách quốc gia đi kèm với chiến lược này để cụ thể hóa phương hướng từng năm. Liên quan đến đào tạo trẻ, hầu hết đều bức xúc với hệ thống tổ chức bóng đá trẻ hiện nay còn nhiều bất cập. Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long cho rằng lịch thi đấu bóng đá trẻ hiện chưa khoa học, chưa tạo điều kiện cho VĐV tích lũy, công tác đào tạo chưa có quy trình thống nhất và cũng chưa được chuẩn hóa, nên sự phát triển không đồng bộ, hệ thống chân rết thiếu ổn định, nên các CLB chuyên nghiệp luôn đau đầu về lực lượng.
Ủy viên Ban Trọng tài Bùi Như Đức bức xúc cái gốc của mọi nền bóng đá chính là bóng đá trẻ nhưng thời gian qua làm theo kiểu đối phó, còn thiếu khoa học, không có những bộ phận tuyển trạch theo dõi chuyên sâu sự phát triển của các cầu thủ trẻ để có sự tuyển lựa chính xác. Ông Đức cũng nhấn mạnh đến việc vì sao trọng tài ngoại trình độ không hơn trọng tài VN nhưng luôn làm tốt giải VĐQG mà trọng tài VN bị kêu ca, bởi ở VN có quá nhiều chi phối dễ khiến trọng tài mất phương hướng. Nói cách khác, một số lãnh đạo trong BTC và điều hành trọng tài chưa làm gương nên ảnh hưởng nhiều đến công tác điều hành trọng tài.
Quang Tuyến
Bình luận (0)