Chiến lược bóng đá của Trung Quốc: Màn hình quảng bá vĩ đại nhất

03/01/2017 19:05 GMT+7

p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 10.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Times New Roman'; -webkit-text-stroke: #000000} span.s1 {font-kerning: none} Khác với những cuộc di cư tiến hành hàng năm của loài cá hồi, ngỗng trắng hay hồng hạc... trong thế giới tự nhiên, làn sóng cầu thủ từ mọi nơi trên thế giới đổ tới Trung Quốc chỉ mới xuất hiện trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tính đến tháng 11.2016, có hơn 2000 lượt cầu thủ nước ngoài đã tới chơi tại giải vô địch Trung Quốc (Chinese Super League - CSL), bao gồm các cầu thủ châu Phi - 24 nước, châu Á - 10 nước, châu Âu - 34 nước, CONCACAF - 7 nước, châu Đại dương - 1 nước, Nam Mỹ - 10 nước. 

Tính riêng đầu năm nay, khi những Jackson Martinez, Ramires và Alex Teixeira gia nhập CSL, các ông chủ người Hoa của các đội bóng đã chi tới 90 triệu bảng. Và kỷ lục này bị phá khi các bản hợp đồng của Carlos Tevez, Oscar (có hiệu lực từ 1.1.2017, theo quy định của FIFA) chính thức hoàn tất. 
Có một điều đáng lưu ý, nếu những tên tuổi lớn, giàu tiềm năng gia nhập các CLB châu Âu - chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn, nhưng khi những cầu thủ mới 25 - 32 tuổi lựa chọn Viễn Đông, thay vì Mỹ hay Trung Đông, như trường hợp của Martinez, Ramires, Teixeira, Oscar..., đó là điều chắc chắn phải xuất hiện trên trang nhất các tờ báo thể thao. Họ còn xa mới quá thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Và điều đó giải thích câu nói của Arsene Wenger, rằng "bóng đá châu Âu nên lo ngại về Trung Quốc". 

Bí mật đằng sau tín hiệu đèn xanh cho các bản hợp đồng "tiền đè chết người" là việc người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc xem bóng đá như một công cụ truyền thông "rẻ tiền, hữu hiệu và quảng đại nhất" để giới thiệu với thế giới về một "siêu cường quốc đang trỗi dậy". Trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu giải trí cho người dân trong nước, việc CSL thu hút về những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới, bên cạnh việc gia tăng các hợp đồng quảng cáo, thương mại, quảng bá du lịch về Trung Quốc tại 5 giải hàng đầu châu Âu, tạo ra một dấu hằn trong tâm trí mọi người về văn hóa tiêu dùng Trung Quốc.

Sự kiện ông Tập Cận Bình ra chỉ thị về việc cải cách sâu, rộng bóng đá cơ sở ở Trung Quốc, bên cạnh việc ghé thăm Tổ hợp huấn luyện, đào tạo mới khánh thành của Manchester City hồi tháng 10.2015, cũng cho thấy quyết tâm của ông đối với việc phát triển thể thao và xem thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, như một màn hình quảng bá vĩ đại nhất về Trung Quốc ra thế giới. 
Việc ông Tập Cận Bình đến thăm Man City đã mở ra một cuộc cách mạng trong làng bóng đá Trung Quốc Chụp màn hình Instagram

Từ sau chuyến đi hiếm khi xuất hiện trong nghị trình làm việc của một lãnh tụ Trung Quốc, hàng loạt những chương trình hành động cụ thể, khuyến khích thanh, thiếu niên trong nước chơi bóng đá, thay vì tới sân bóng rổ - môn thể thao được coi là số 1 ở Trung Quốc. Đây không chỉ là chiến lược nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe - trong bối cảnh ngành y tế Trung Quốc chịu áp lực lớn từ tình trạng gia tăng số lượng bệnh nhân trẻ mắc chứng tiểu đường - mà còn gián tiếp xem bóng đá như đối trọng với bóng rổ, nhằm giảm sự sùng bái NBA - biểu tượng của văn hóa Mỹ trong con mắt quốc tế - trong giới trẻ Trung Quốc. 

Kế hoạch của chính phủ Trung Quốc là tăng gấp đôi mức đầu tư công và cá nhân cho ngành kinh doanh thể thao đến 2025, với bước đi đầu tiên là thu hút các ngôi sao thể thao tới Trung Quốc thi đấu, hoặc ký hợp đồng gắn với các yếu tố Trung Quốc. 

Sự kiện các đội bóng Premier League tới chơi bóng tại Trung Quốc đã được coi là thường niên. Việc HLV Jose Mourinho xuất hiện tại Thượng Hải không còn giới hạn trong chương trình du đấu của Chelsea hay Manchester United, thay vào đó là để đàm phán về việc bán cổ phần trong công ty đại diện cầu thủ, do Jorge Mendes điều hành. Và gần đây nhất, ông chủ Manchester City, Sheikh Mansour, cũng đã bán 13% cổ phần CLB (Man City hiện có giá trị khoảng 2 tỷ bảng) cho các nhà đầu tư Trung Quốc, được đại diện bởi China Media Capital - Quỹ tài chính liên doanh công Trung Quốc.
Man City giờ đây cũng có cổ phần thuộc về người Trung Quốc AFP

Thực tế, sự thâm nhập của các ông chủ Trung Quốc vào nền bóng đá châu Âu không còn giới hạn ở những CLB nhỏ  (Sochaux - Pháp) hay nền bóng đá ít ảnh hưởng (Slavia Prague - CH Czech), thay vào đó, Aston Villa, Wolverhampton Wanderers West Bromwich Albion đã thuộc quyền sở hữu của người Hoa - 3/20 đội bóng châu Âu được mua lại bởi các nhà đầu tư Trung Quốc trong chưa đầy 2 năm qua. Ngoài ra, những Man City, Atletico Madrid, Lyon hay Inter Milan, Espanyol, Nice cũng đã bán một lượng cổ phần không nhỏ cho các tỷ phú người Hoa. 

Điều đáng nói, đằng sau những thương vụ này là mối liên kết giữa các tập đoàn tư nhân và chính phủ Trung Quốc - điển hình là thương vụ mua cổ phần của Man City, trị giá 265 triệu bảng, nhận được sự chống lưng của Bắc Kinh. 

"Chính phủ muốn thiết lập một nền kinh tế cân bằng, hơn là chỉ dựa vào sản xuất, với các ngành thể thao và giải trí được xem là khu vực dành cho đầu tư. Tại Trung Quốc, các công ty, dù lớn hay nhỏ, đều có xu hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền, bởi vậy thường ủng hộ, hoặc có nghĩa vụ cam kết, với các ý tưởng phục vụ cho lợi ích quốc gia", Chris Atkins, chuyên gia bóng đá Trung Quốc, phân tích. 

Người Trung Quốc đúng là đang thích bóng đá hơn, dù các điều tra thể thao cho thấy thanh, thiếu niên thành thị có xu hướng vẫn thích chơi bóng rổ hơn. Giấc mơ khoác lên người hình "quốc gia bóng đá" khi bước lên sân khấu quốc tế của người Trung Quốc vẫn cần thời gian để hình thành và hoàn thiện. 

"Bóng đá xuất hiện trên TV bất cứ thời điểm nào trong ngày, không chỉ là các trận đấu Premier League hay Champions League, mà bất kỳ giải đấu châu Âu nào", Sven Goran Eriksson trả lời báo chí Anh gần đây. "Nhưng, các trận đấu bóng đá trong nước lại chỉ được phát vào những khung giờ ít được chú ý".

Và dù có những sân vận động hiện đại, đẹp đẽ và có sức chứa lớn, những trận đấu giữa các đội bóng Trung Quốc vẫn diễn ra với những khán đài trống vắng. Thực sự là, số lượng trung bình khán giả tới sân mỗi trận đấu đã tăng so với những năm trước - 22 ngàn người/trận, tăng 17% so với mùa trước. Nhưng, các nhà tổ chức CSL thừa nhận mục tiêu tăng gấp đôi con số trên sẽ chỉ trở thành hiện thực trong vòng 10 năm tới. 
Các đội bóng Trung Quốc có cơ sở vật chất rất tốt AFP

"Hiển nhiên là có, Trung Quốc có sức mạnh tài chính để biến mình trở thành trung tâm bóng đá của thế giới. Chúng ta đều biết sức mạnh kinh tế có sức ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống. Và họ có điều đó", Wenger nói trên truyền hình khi được hỏi liệu các giải châu Âu có nên lo lắng về sức mạnh chi tiêu của Trung Quốc trong bóng đá, thời gian gần đây. "Liệu họ có duy trì niềm đam mê đó? Chúng ta cần nhớ rằng vài năm trước, nước Nhật (nơi Wenger từng làm việc trước khi tới Arsenal) cũng đã làm vậy và rồi giảm tốc độ lại. Tôi không biết đam mê bóng đá ở Trung Quốc cháy bỏng nhường nào, nhưng nếu có một khát vọng chính trị mãnh liệt trong đó, chúng ta nên lo lắng". 

Bất chấp hợp đồng bản quyền truyền hình có tổng giá trị lên tới 8 tỷ bảng, các đội bóng Premier League sẽ phải chịu phản ứng ngược từ chính thương vụ này: lạm phát giá và lương cầu thủ, HLV. Mức lương của Mourinho tại Man United hiện đã là 15 triệu bảng/năm. Và Paul Pogba trở thành cầu thủ ngấp nghé mức giá 100 triệu bảng - "Mục tiêu 100 triệu bảng sẽ sớm xuất hiện", Wenger dự báo. 

Trong bối cảnh đó, có bao nhiêu CLB châu Âu đủ sức mạnh tài chính để cưỡng lại những "lời đề nghị khiếm nhã" từ Trung Quốc, gồm cả các nhà đầu tư cá nhân, nhà nước và dưới bóng các Quỹ tài chính. Không còn sớm để đưa ra lời dự đoán: "Trung Quốc sẽ sớm trở thành đột phá khẩu của một cuộc cách mạng bóng đá", như lời Wenger. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.