|
Vào giữa thập niên 2000, Nga đối mặt với thách thức từ những diễn biến an ninh chính trị tại các nước thuộc Liên Xô trước đây (còn gọi là không gian hậu Liên Xô). Sự tan rã của Liên Xô năm 1991 đã vẽ lại biên giới chính trị ở châu u với sự xuất hiện của 15 quốc gia độc lập. Hừng hực khí thế sau Chiến tranh lạnh, EU và NATO bắt đầu quá trình mở rộng về hướng đông. Ba Lan, Hungary và CH Czech gia nhập NATO năm 1999, theo chuyên san Foreign Policy. Phần còn lại của Trung u và các quốc gia Baltic (gồm Estonia, Latvia và Lithuania) gia nhập EU và NATO từ năm 2004 đến 2007. Phải tập trung củng cố chính trị trong nước, Nga khi đó không tạo được đối trọng cần thiết để ngăn chặn bước tiến của NATO áp sát biên giới mình. Các cuộc cách mạng màu như ở Georgia và Ukraine khiến những chính phủ không thân thiện xuất hiện tại biên giới phía tây và phía nam Nga.
Học thuyết quân sự chủ động
Tại hội nghị Bucharest (Romania) vào tháng 4.2008, các nước NATO không thể nhất trí về cho Ukraine và Georgia gia nhập song cam kết ủng hộ nỗ lực này trong tương lai. Cũng tại hội nghị, NATO chính thức tán thành kế hoạch lắp đặt lá chắn tên lửa ở Ba Lan và CH Cezch. Ukraine có vai trò quan trọng về mặt quốc phòng đối với Nga và Điện Kremlin xem lá chắn tên lửa ở Trung và Đông u là một mối đe dọa an ninh.
Với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế của EU và sự tập trung vào Trung Đông của Mỹ, nước Nga đã tận dụng toàn bộ lợi thế trong thời kỳ này. Từ tháng 1.2006, Nga sử dụng con bài khí đốt để gây áp lực lên Ukraine thông qua việc cắt nguồn cung và nâng giá. Sự phụ thuộc của châu u vào nguồn khí đốt Nga và quốc gia trung chuyển Ukraine nhắc nhở rằng Moscow là một nhân tố chính trị quan trọng mà châu u không thể bỏ qua.
Cuộc chiến với Georgia vào tháng 8.2008 nhằm thể hiện sự mạnh mẽ về quân sự của Nga, xác nhận vị thế cường quốc khu vực cũng như phá hỏng mọi kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine và Georgia. Cuộc chiến gửi thông điệp mạnh mẽ đến các quốc gia từng thuộc Liên Xô khác rằng NATO sẽ không tôn trọng cam kết bảo vệ họ.
Tiếp đến, Nga công bố học thuyết quân sự chủ động đầu tiên kể từ thập niên 1970. Theo đó, Nga sẽ bảo vệ lợi ích của công dân Nga ở bất kỳ nơi nào đồng thời xem không gian hậu Liên Xô là khu vực có lợi ích đặc biệt. Điều này nghĩa là các hoạt động của nước ngoài làm xói mòn vị thế của Nga trong khu vực sẽ bị xem là mối đe dọa.
Cách mạng đảo chiều
Khoảng thời gian 5 năm sau cuộc chiến với Georgia được Nga sử dụng để lấy lại tầm ảnh hưởng tại không gian hậu Liên Xô. Kể từ năm 2010, chuyển biến chính trị ở một số nước đã đảo nghịch những thay đổi mà các cuộc cách mạng màu mang đến. Tháng 1.2010, ông Viktor Yanukovich giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Ukraine, đánh dấu sự suy tàn của các phe phái đứng sau cách mạng Cam, từ đó dẫn đến quan hệ hợp tác gần gũi hơn giữa Kiev và Moscow. Tại Kyrgyzstan, vụ lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev vào tháng 4 cùng năm báo hiệu sự thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng thân Nga. Vào tháng 10.2012, Georgia cũng chứng kiến sự thay đổi chính trị lớn, khi liên minh Giấc mơ Georgia hạ bệ những người chiến thắng trong cuộc cách mạng Hoa hồng ở nghị viện và hứa hẹn cải thiện quan hệ với Moscow.
|
Trong bối cảnh đó, Liên minh thuế quan Á - u do Nga khởi xướng là một trong những phương tiện chính của Điện Kremlin để thiết lập sự hợp nhất kinh tế với các nước thuộc Liên Xô trước đây và làm đối trọng với EU. Các nước từng thuộc Liên Xô phải lựa chọn và quyết định của Kiev dưới thời ông Yanukovych đã dẫn đến biến động ở Ukraine. Vụ phế truất vị tổng thống này có thể ảnh hưởng đến chiến lược hậu Liên Xô của Nga khi chính quyền mới ở Kiev cam kết xích lại gần EU. Giữa lúc này, các lực lượng “dân quân tự vệ” thân Moscow nhanh chóng xuất hiện, kiểm soát bán đảo Crimea còn chính quyền địa phương công khai ý định ly khai khỏi Kiev. Song song đó, Thượng viện Nga thông qua việc cho phép sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ những công dân Nga và người nói tiếng Nga theo đúng học thuyết quân sự chủ động nói trên.
Nếu Nga đạt được mục tiêu ở Ukraine, đây sẽ là thông điệp đầy sức mạnh gửi đến các nước từng thuộc Liên Xô khác. Một diễn biến đáng chú ý là ngày 6.3, Thủ tướng Dmitri Medvedev thông báo sẽ đơn giản hóa thủ tục cho phép những người nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ ở không gian hậu Liên Xô nhập tịch Nga. Có vẻ như các động thái này đã có tác dụng khi Armenia đẩy nhanh tiến độ gia nhập Liên minh thuế quan do Nga làm chủ soái. Còn với các nước như Georgia và Moldova, vốn có các lãnh thổ ly khai nằm dưới tầm ảnh hưởng của Nga, diễn biến ở Crimea sẽ cho thấy rõ phương Tây chịu trả giá đến mức nào trong cuộc đối đầu địa chính trị tại không gian hậu Liên Xô.
Biểu tình đòi ly khai lan rộng ở Ukraine Ngày 8.3, các cuộc tuần hành ủng hộ Nga nổ ra tại nhiều thành phố ở miền đông và nam Ukraine, theo AFP. Tại Donetsk, nhiều người tụ tập ở quảng trường Lenin kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý giống như cuộc trưng cầu về việc sáp nhập vào Nga tại Crimea dự kiến diễn ra ngày 16.3. Các cuộc biểu tình tương tự cũng đã xảy ra tại các thành phố lân cận như Kharkov và Dnipropetrovsk. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẵn sàng đối thoại bình đẳng và trung thực với phương Tây để tìm cách đưa Ukraine thoát khỏi khủng hoảng. Trước đó, ông Lavrov cảnh báo Mỹ và một số nước châu u rằng chính sách trừng phạt nhằm vào Moscow sẽ phản tác dụng và có thể gây hại cho mọi đối tác thương mại của Nga. Những lời cảnh báo này trở nên cụ thể hơn khi tập đoàn dầu khí Nga Gazprom dọa sẽ cắt nguồn khí đốt sang Ukraine, đồng nghĩa với việc nguồn cung khí đốt sang châu u sẽ bị gián đoạn, theo AFP. Bộ Quốc phòng Nga thì tuyên bố đang cân nhắc đình chỉ việc cho phép chuyên gia quốc tế thanh sát kho vũ khí, bao gồm cả tên lửa và hạt nhân, của nước này. Trong khi đó, tại Crimea, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các tay súng lạ mặt đã chiếm một căn cứ không quân của Ukraine tại Sevastopol vào tối 7.3, theo CNN. Danh Toại |
Sơn Duân
>> Ukraine khẳng định không từ bỏ Crimea
>> Ukraine tố quân đội Nga đuổi lính biên phòng khỏi Crimea
>> Canada trục xuất 9 binh sĩ Nga vì Ukraine
>> Nga dọa cắt đường ống dẫn khí đốt ở Ukraine
>> Mỹ tăng hiện diện quân sự gần Ukraine
>> Ukraine tố Nga gửi 30.000 quân đến khu tự trị Crimea
>> Thủ tướng Singapore rút ‘kinh nghiệm nước nhỏ’ từ Ukraine
Bình luận (0)