Chiến lược mới của hải quân Nga

10/10/2009 22:41 GMT+7

Sau một thời gian dài không chú trọng đến việc phát triển hạm đội, đặc biệt là loại tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng có khả năng phóng tên lửa (TARKR), giờ đây Nga đang muốn nâng cao sức mạnh của loại tàu này để củng cố vị thế cường quốc quân sự của mình. Nghe đọc bài

Báo Độc Lập (Nga) đưa tin: Vào ngày 19.9 vừa qua, Thứ trưởng quốc phòng Nga - Vladimir Popovkin, tuyên bố các hạm đội Nga cần phải được tăng cường TARKR. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta hiện chỉ có vài con tàu như thế từ thời Xô viết. Chúng tôi đang lên kế hoạch để khôi phục lại loại tàu này và Bộ Quốc phòng cho rằng trong số 3 chiếc TARKR hiện có, một chiếc sẽ cơ cấu vào Hạm đội Thái Bình Dương, còn hai chiếc còn lại sẽ thuộc Hạm đội Bắc”.

Kỳ hạm “Peter Đại đế” 

Hiện chiếc TARKR tốt nhất của hải quân Nga là chiếc “Peter Đại đế”, soái hạm của Hạm đội Bắc. Từ tháng 9.2008 - 3.2009 tuần dương hạm lớn nhất thế giới này thực hiện hải trình dài nhất trong lịch sử tồn tại của nó. “Peter Đại đế” đã đến 3 vùng đại dương, tham gia các cuộc tập trận chung:  Venrus - 2008 (Venezuela - Nga); Indra 2009 (Ấn Độ - Nga) và phối hợp tác chiến cùng hải quân của Nam Phi. Ngoài ra, nó còn làm nhiệm vụ truy đuổi hải tặc ở vịnh Aden và bắt được hàng chục tên. 

Trong hải trình kéo dài 6 tháng này của “Peter Đại đế”, phía Nga dường  như muốn chứng minh: Sức mạnh quân sự Nga không chỉ có lực lượng tên lửa chiến lược hùng mạnh, máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu - 160 mà còn có TARKR. Ngoài ra, “Peter Đại đế” còn lập một kỷ lục khi cập các cảng: Tripoli (Libya), Akzas-Karaagach (Thổ Nhĩ Kỳ), Toulon (Pháp), La Guaira (Venezuela), Cape Town (Nam Phi) và Marmagao (Ấn Độ), trở thành tàu chiến đầu tiên cập nhiều cảng nhất trong một chuyến hải trình. Nói cách khác, hải quân Nga đã thực hiện được nhiệm vụ mà họ muốn thực hiện từ lâu: Biến hạm đội của mình thành lực lượng tàu chiến gần bờ. Hơn thế, mỗi lần ghé vào cảng như thế, các phương tiện truyền thông thế giới lại thông tin khá chi tiết về sự kiện, qua đó đánh bóng thêm sức mạnh quân sự của Nga. 

 

“Đô đốc Lazaryev” đang được nâng cấp để biên chế lại vào hải quân Nga - Ảnh: naval.com

Từ hải trình của “Peter Đại đế” phía Nga cũng phần nào cho thấy lực lượng hải quân của mình có thể thường xuyên tuần tra trên biển. Nhưng để thực hiện được ý tưởng này, cần phải có ít nhất 3 chiếc TARKR hùng mạnh. Bởi trong khi một chiếc tiến hành bảo dưỡng định kỳ, thì hai chiếc còn lại có thể tuần tra trên đại dương trong vòng nửa năm. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu và khả năng kinh tế của Nga khiến nước này chưa thể đóng TARKR mới. Dẫu vậy, xứ sở bạch dương có thể sử dụng lại TARKR “Đô đốc Nakhimov” được đưa vào sửa chữa từ năm 1999 và tận dụng lại TARKR “Đô đốc Lazaryev” đang neo đậu chờ đến ngày “về hưu”.

Những con tàu hàng tỉ USD

Chiếc tuần dương hạm nguyên tử phá băng đầu tiên mang tên “Kirov” được Liên Xô đóng tại Leningrad (Saint - Petersburg ngày nay). Nó được khởi công vào ngày 27.3.1973 và hạ thủy vào ngày 27.12.1977. Đến ngày 30.12.1980, “Kirov” được biên chế vào Hạm đội Bắc. 4 năm sau đó - 1984, “Kirov” lần đầu tiên thực hiện hải trình dài đến Địa Trung Hải. Trong chuyến đi lần thứ hai (1.12.1989 - 17.2.1990) do lò phản ứng phía trước bị hỏng, nên nó được xếp vào lực lượng dự bị. Vào năm 1992, “Kirov” đổi tên thành “Đô đốc Ushakov”, đến ngày 19.9.1999 nó chính thức ngưng hoạt động và được đưa vào danh sách để loại bỏ. 

Chiếc tuần dương hạm thứ hai “Frunze” (năm 1992 đổi tên thành “Đô đốc Lazaryev”) được khởi công vào ngày 27.7.1978, hạ thủy ngày 26.5.1981 và được biên chế vào Hạm đội Thái Bình Dương ngày 31.10.1984. Do bị đánh giá là khả năng tác chiến kém, nên đến năm 1999 phía Nga đưa nó vào sửa chữa dài hạn. Từ tháng 6.2000, Nga dự tính nâng cấp “Đô đốc Lazaryev” tại nhà máy sửa chữa tàu ở Viễn Đông nhưng lại không đủ khả năng tài chính. Cho đến tháng 7.2009, chiến hạm này vẫn chưa có hoạt động gì mới. 

Chiếc tàu thứ ba mang tên “Kalinin” (từ năm 1992 đổi tên thành “Đô đốc Nakhimov”) khởi công ngày 17.5.1983, hạ thủy 25.4.1986 và được biên chế vào Hạm đội Bắc ngày 30.12.1988. Chuyến hải trình cuối cùng của tàu này kết thúc vào tháng 7.1997, đến ngày 14.8.1999 nó được đưa vào sửa chữa với thời hạn ấn định từ 3 - 4 năm. Song, do khó khăn về tài chính, nên đến tận năm 2008, kế hoạch sửa chữa mới được chính thức đưa vào Chương trình tái thiết quân đội Nga. Khoảng năm 2012, “Đô đốc Nakhimov” sẽ được biên chế lại vào quân đội. 

Vài nét về “Peter đại đế”

Biên chế vào Hạm đội Bắc năm 1998. Dài 250,1m, rộng 28,5m, cao 59m, mớn nước 10,3m. trọng tải 25.860 tấn. Công suất 140.000 mã lực, vận tốc 59 km/giờ. Thủy thủ đoàn 635 người (105 sĩ quan, 130 nhân viên hậu cần, kỹ thuật, 400 thủy thủ). Hệ thống vũ khí: Pháo có 2 khẩu 130 ly loại AU AK-130, 8 khẩu 630 ly loại AU AK-630 AD… Thủy lôi các loại như PU PLRK Vodopad NK, PLYR 91 - R 533… Tên lửa đạn đạo S-300 F, các loại tên lửa Fort… 3 chiếc trực thăng Ka-27 PL.

Chiếc TARKR thứ 4 - “Peter Đại đế” được khởi công vào ngày 25.4.1986, hạ thủy vào ngày 25.4.1989. Mới đầu nó có tên “Kuybyshev”, sau đổi thành “Yuri Andropov” và đến ngày 22.4.1992 mang tên như hiện nay. Sau một thời gian thử nghiệm, đến tháng 3.1998 “Peter Đại đế” biên chế vào Hạm đội Bắc. Tổng chi phí để đóng con tàu này là gần 1 tỉ USD. Đây là TARKR hiện đại nhất mà hải quân Nga đang sở hữu. 

Bài toán nan giải

Tại Mỹ, sau khi thử nghiệm các tàu nguyên tử trên mặt nước, vào các năm 1974 - 1975, họ đã đóng mới 2 chiến hạm loại này mang tên “California”. Còn từ 1976 - 1980 là 4 tuần dương hạm loại “Virginia” có trọng tải 11 ngàn tấn. Các tàu này có nhiệm vụ phối hợp với không quân để đảm nhiệm phòng chống tên lửa chiến lược. Mới đầu chúng chỉ được trang bị các loại tên lửa thông thường, nhưng sau này được lắp đặt hệ thống tên lửa đạn đạo Tomahawk. 

Điều đáng chú ý là giá thành các loại tàu này cao, nhưng công năng không hơn các loại tàu nhỏ hơn. Điều này không chỉ đúng với hải quân Mỹ mà còn cả đối với TARKR của Nga. Với 1 tỉ USD có thể đóng nhiều tàu hiện đại, mang được nhiều loại vũ khí hiện đại hơn là tàu nguyên tử. Hơn thế, có ý kiến cho rằng loại tàu lớn này chưa biết hiệu quả đến đâu khi lâm trận, mà khi đó chính nó còn khó tự bảo vệ mình. 

Chính vì thế mà lãnh đạo hải quân Mỹ thiên về loại tuần dương hạm kiểu Ticonderoga, được bắt đầu biên chế vào quân đội từ năm 1981. Hiện Mỹ có 22 chiếc tàu loại này, trang bị hệ thống vũ khí đa năng AEGIS, với tính năng vượt trội hơn tàu nguyên tử thế hệ trước. Từ năm 2006, các tàu này lần lượt được sửa chữa, nâng cấp và sẽ phục vụ đến năm 2016 - 2019. Còn từ năm 2004, Mỹ chính thức loại bỏ chiếc tuần dương hạm nguyên tử cuối cùng của mình. 

Trong khi đó Nga vẫn chưa có ý định loại bỏ các TARKR. Hơn thế, “Đô đốc Lazaryev” và “Đô đốc Nakhimov” nhiều khả năng sẽ lại được biên chế lại. Chúng có thể sử dụng với thời hạn từ 20 đến 30 năm nữa. Tuy nhiên việc sử dụng lại TARKR đòi hỏi chi phí cao. Bởi cần phải có các nhà máy chuyên dụng mà Nga hiện nay đang thiếu, cũng như cần phải xây dựng thêm các căn cứ bên bờ biển với đầy đủ các dịch vụ để phục vụ các con tàu này. Hiện chỉ có “Peter Đại đế” là có khả năng hoạt động không cần đến sửa chữa từ 10 đến 30 năm nữa. 

Mặt khác, không ít nhà chuyên môn cho rằng việc sửa chữa lại các TARKR như cũ là không cần thiết trong thế kỷ 21. Bởi chi phí sửa chữa cho một TARKR sẽ quá tốn kém khi tiêu tốn từ 500 triệu USD - 1 tỉ USD. Trong khi với số tiền này hoàn toàn có thể đóng mới những con tàu có công năng tốt hơn. Mặt khác, việc vận hành tốt các TARKR có thể giúp các chính trị gia của Nga nghĩ đến việc đóng mới các tàu sân bay nguyên tử. Nó vừa giải quyết việc làm cho hàng loạt nhà máy với hàng ngàn công nhân, vừa giúp Nga có thể đề ra chính sách mới về hạm đội. Bởi, nói gì thì nói, trong nhiều năm qua, dường như Nga chưa đề ra chiến lược đối với hải quân. Các TARKR chỉ mang tính phòng thủ chứ không phải tiến công. Xem ra việc thiết kế, đóng mới các tàu chiến cũng như thực thi chiến lược mới đối với hải quân Nga vẫn còn là bài toán nan giải.  

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.