Tờ Thời báo Thương mại Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (Sinopec Group) Phó Thành Ngọc hồi đầu tháng cho biết Sinopec đang tăng cường khai thác dầu và khí đốt từ đá phiến. Hiện tại, tập đoàn này không chỉ đầu tư khai thác ở Mỹ và Canada, mà còn nhập kỹ thuật công nghệ để tự xử lý nguồn năng lượng đá phiến trong nội địa. Theo báo Khoáng sản Trung Quốc, vào tháng trước, Sinopec công bố khởi công nhà máy xử lý đá phiến tại tỉnh Tứ Xuyên với công suất dự kiến đạt 4,3 tỉ m3 khí đốt mỗi năm. Đây là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đang triển khai nhằm nâng tỷ lệ khí tự nhiên, trên tổng sản lượng nhiên liệu tiêu thụ, từ mức 4% của hiện tại lên 6% trong vài năm tới. Không riêng gì Sinopec, nhiều doanh nghiệp khác của nước này cũng đang ra sức đầu tư khai thác năng lượng từ đá phiến. Báo Liễu Ninh từng tiết lộ tập đoàn Thành Đại Liễu Ninh bắt đầu một kế hoạch quy mô lớn từ cuối năm ngoái. Theo đó, tập đoàn này sẽ sớm hoàn thiện nhà máy tại Tân Cương có công suất xử lý đá phiến lên đến 8 triệu tấn mỗi năm, tạo ra 400.000 tấn dầu thô.
|
|
Những dự án trên được xúc tiến nhằm khai thác nguồn đá phiến khổng lồ mà Trung Quốc hiện có. Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, Trung Quốc sở hữu 7 mỏ đá phiến dầu. Ngoài ra, nước này còn là một trong những quốc gia có nhiều mỏ khí đá phiến nhất thế giới với tổng trữ lượng ước tính đạt 25.000 tỉ m3. Trong đó, mỏ Nguyên Bá (tỉnh Tứ Xuyên) và mỏ Tarim (khu tự trị Tân Cương) hứa hẹn đem đến 6,5 tỉ m3 khí đốt mỗi năm vào năm 2015. Bên cạnh đó, báo cáo trên cũng chỉ ra tài nguyên đá phiến của cả thế giới đủ để sản xuất 2,8 - 3,3 ngàn tỉ thùng dầu, nhiều gấp đôi so với trữ lượng 1,317 ngàn tỉ thùng dầu thô truyền thống.
Khó khăn và hệ lụy
Tuy nhiên, việc khai thác và xử lý đá phiến tạo ra không ít thách thức về môi trường như: sử dụng đất, nước, quản lý chất thải, gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí và mạch nước ngầm. Theo đó, quá trình xử lý đá phiến đem đến nhiều hệ lụy như: nước nhiễm axit và kim loại, gây xói mòn, thải ra nhiều lưu huỳnh, chất thải rắn. Khai thác loại khoáng sản này cũng tiêu tốn một lượng nước đáng kể. Nhiều nhà máy xử lý đá phiến có thể làm cạn kiệt toàn bộ nguồn nước và tổn hại hệ sinh thái của một vùng rộng lớn. Thậm chí, các nhà khoa học cho rằng sử dụng năng lượng từ đá phiến tạo ra nhiều khí thải hơn các loại nhiên liệu hóa thạch thông thường. Estonia trở thành một trong những ví dụ điển hình của những nguy hại từ việc khai thác đá phiến. Năm 2002, ngành công nghiệp đá phiến Estonia ngốn 91% tổng lượng nước tiêu thụ và bị cho là nguyên nhân của 97% ô nhiễm không khí, 86% ô nhiễm chất thải, 23% ô nhiễm nước trong nội địa. Không chỉ gây ô nhiễm, xử lý đá phiến còn tốn kém hơn nhiều so với dầu thô. Việc vận chuyển và các hoạt động hỗ trợ khai thác cũng không hề đơn giản. Thách thức càng lớn hơn cho Trung Quốc khi nhiều mỏ đá phiến của nước này nằm sâu trong lòng đất nên khai thác sẽ rất khó khăn và tốn kém. Đó là chưa kể đến nguồn cung cấp nước cho các dự án khai thác đá phiến của Trung Quốc tại những khu vực khô cằn như Tân Cương.
Lucy Nguyễn
Bình luận (0)