Chiến lược 'ngoại giao vắc xin' của Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
24/12/2020 08:15 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chào mời cung cấp vắc xin Covid-19 cho những nước nghèo hơn, với hy vọng nhận được sự đền đáp về mặt ngoại giao.

Hiện nhiều nước giàu đang cố mua hết số lượng  vắc xin Covid-19 có giới hạn của những công ty dược nổi tiếng, trong khi  Trung Quốc ký thỏa thuận cung cấp hàng triệu liều vắc xin Covid-19 của mình cho những nước nghèo hơn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc này không hoàn toàn xuất phát từ mong muốn hỗ trợ nước khác mà nằm trong cái gọi là “chiến lược ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc, theo AFP.

Kỷ nguyên "ngoại giao vắc xin" hé dạng, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ tích cực tận dụng

Chiến lược này có thể mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh, gồm đánh lạc hướng sự chỉ trích về cách Trung Quốc xử lý đại dịch trong giai đoạn đầu, nâng cao danh tiếng của các công ty Trung Quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này ở châu Á và xa hơn nữa.

“Có điều kiện”

Hồi tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa ưu tiên cung cấp vắc xin Covid-19 cho các nước dọc sông Mê Kông, nơi hạn hán trở nên trầm trọng vì các đập do Trung Quốc xây ở thượng nguồn, theo AFP. Gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận cung cấp vắc xin Covid-19 cho Malaysia và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc ở  Biển Đông.
“Ngoại giao vắc xin của Trung Quốc có điều kiện. Bắc Kinh có thể dùng việc cung cấp vắc xin để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, đặc biệt về những vấn đề nhạy cảm, như yêu sách của nước này ở Biển Đông”, hai nhà nghiên cứu Ardhitya Eduard Yeremia và Klaus Heinrich Raditio nhận định trong một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore) xuất bản trong tháng 11.
Chiến lược “ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc

Container chứa vắc xin Covid-19 của Trung Quốc được chuyển đến Brazil ngày 18.12

Còn nhà nghiên cứu y tế toàn cầu Hoàng Diên Trung thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, Mỹ) bình luận: “Chắc chắn Trung Quốc đang thực hiện ngoại giao vắc xin trong nỗ lực phục hồi hình ảnh bị lu mờ của mình. Việc này cũng trở thành một công cụ nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc”.

Thiếu minh bạch ?

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đang cho xây dựng các cơ sở sản xuất vắc xin ở những nước có tham gia cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19 do các công ty dược Trung Quốc chế tạo. Trung Quốc cũng đã hứa cho các quốc gia châu Mỹ Latin và vùng Caribe vay tổng cộng 1 tỉ USD để hỗ trợ mua vắc xin Covid-19. “Tất cả nỗ lực này, được gọi là “Con đường tơ lụa y tế”, đang hỗ trợ Bắc Kinh khôi phục lại danh tiếng quốc gia trong lúc mở rộng thị trường mới cho các công ty Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Kirk Lancaster thuộc CFR bình luận.
Trung Quốc hiện có 4 loại vắc xin Covid-19 nằm trong giai đoạn cuối của quá trình phát triển và đang có tiến triển trong cuộc thử nghiệm trên người ở một số quốc gia, trong đó có Brazil. Tuy nhiên, thông tin về an toàn cũng như hiệu quả của những vắc xin Covid-19 do Trung Quốc phát triển ít được công bố. “Tình trạng thiếu minh bạch trong hệ thống Trung Quốc đồng nghĩa hàng ngàn người đã được tiêm vắc xin Trung Quốc mà không có dữ liệu thử nghiệm liên quan được công bố”, nhà phân tích chính sách Trung Quốc Natasha Kassam tại Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) nhận định. Bà Kassam dự đoán tình trạng thiếu dữ liệu “sẽ gây ra báo động” trong quá trình đưa ra loại vắc xin mới trên phạm vi toàn cầu, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.