Chiến lược Phản đòn thứ ba của Mỹ: Vũ khí tự động hóa

23/02/2016 10:13 GMT+7

Chiến lược Phản đòn thứ ba của Lầu Năm Góc được xây dựng dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) và tự động hóa nhằm hỗ trợ các chiến dịch của con người.

Chiến lược Phản đòn thứ ba của Lầu Năm Góc được xây dựng dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) và tự động hóa nhằm hỗ trợ các chiến dịch của con người.

Trực thăng AH-64 kết hợp tác chiến với UAV MQ-1 Gray Eagle (phải) - Ảnh: Lục quân MỹTrực thăng AH-64 kết hợp tác chiến với UAV MQ-1 Gray Eagle (phải) - Ảnh: Lục quân Mỹ
Lầu Năm Góc hiện vận hành hệ thống phòng thủ tự động dưới dạng phòng không và phòng thủ tên lửa. Theo đó, các tàu khu trục Aegis có thể khởi động cơ chế tự nạp và phóng tên lửa trong trường hợp chiến hạm cùng lúc đối mặt với quá nhiều nguy cơ, vượt khỏi năng lực xử lý tức thời của não người.
Để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của con người trong điều kiện tác chiến với khối lượng dữ liệu khổng lồ, Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại của Mỹ (DARPA) đang phát triển và nâng cấp trí thông minh nhân tạo (AI) theo hướng phù hợp hơn với các chiến trường tương lai. Sự hợp tác giữa người và máy, hay còn gọi là “mô hình nhân mã”, được xem là “chén thánh” công nghệ cao của kế hoạch mà Lầu Năm Góc đang triển khai để đối đầu với những tiến bộ trong lĩnh vực quân sự ở Nga, Trung Quốc.
Cấu trúc mở
Trong các cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bob Work, cũng là kiến trúc sư trưởng đằng sau Chiến lược Phản đòn thứ ba, Giám đốc DARPA Arati Prabhakar cho hay cái mà Lầu Năm Góc đang hướng đến chính là tìm ra một cách tiếp cận mới trong thời buổi hiện đại. Hay nói cách khác, để nhanh chóng cập nhật các hệ thống vũ khí theo kịp với đà tiến của công nghệ, DARPA cần phải tư duy lại toàn bộ các hệ thống quân sự phức tạp theo hướng cơ bản nhất, theo trang tin Breaking Defense.
Một chương trình vũ khí truyền thống, như chiến đấu cơ hoặc chiến hạm, dành nhiều năm hoặc nhiều thập niên để kết hợp đủ dạng phần mềm và phần cứng được thiết kế đặc biệt cho từng nhu cầu sử dụng, tạo nên một hệ thống hoạt động chặt chẽ. Mỗi khâu đều phụ thuộc lẫn nhau, khiến giới kỹ sư hết sức vất vả khi viết các chương trình sửa lỗi cho những hệ thống này nếu xảy ra sự cố. Một trong những ví dụ cụ thể nhất là dòng tiêm kích đa nhiệm thế hệ mới F-35 của Mỹ.
Do vậy, thay vì các hệ thống tích hợp chặt chẽ theo kiểu “đo ni đóng giày”, DARPA muốn hướng đến một cấu trúc mở và lắp ráp từ nhiều mô đun, cho phép người sử dụng dễ dàng thay thế một linh kiện hỏng hoặc lỗi thời, từ phần cứng đến phần mềm, mà không gây gián đoạn cả hệ thống.
Tác chiến mạng
Song song với sự phát triển vượt bậc của ứng dụng công nghệ trong các hệ thống vũ khí, những mối đe dọa mới cũng xuất hiện, như tấn công mạng và phá sóng điện tử. Phá sóng và tấn công tin tặc là hai phạm trù rất khó đối phó. Theo đánh giá của giới chuyên gia, kết nối mạng càng nhiều thì càng dễ dính đòn tấn công. Và truyền thông tin qua mạng vô tuyến càng nhiều thì nguy cơ bị phát hiện càng cao. Về vấn đề này, DARPA đang áp dụng một nghiên cứu mới vào dự án có tên là HACMS (Các hệ thống mạng quân sự bảo mật cao), theo đó sử dụng các thuật toán đặc biệt để tìm kiếm và vá các lỗ hổng an ninh.
Trong một cuộc thử nghiệm gần đây, Giám đốc Prabhakar cho hay đội HACMS đã viết lại phần mềm vận hành trực thăng tấn công AH-6 Little Bird của một lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt. Khi một nhóm chuyên gia tin tặc cố gắng xâm nhập hệ thống, họ đã thất bại. Thậm chí khi được cung cấp một số mã nguồn HACMS, nhóm tin tặc cũng không thể tìm thấy lỗ hổng.
DARPA cũng đang áp dụng những phương pháp mới để giải quyết một vấn đề tồn tại từ lâu trong mảng tác chiến điện tử. Khi một máy bay tiếp xúc với một dạng tín hiệu mới, có thể là radar địch, hoặc một thông điệp vô tuyến bí ẩn, nó vẫn xử lý bằng cách thu dữ liệu và mang về căn cứ. Kế đến, các chuyên gia có thể mất hàng tháng hoặc cả năm để giải mã tín hiệu radar đó cũng như đưa ra cách thức đối phó.
Phương thức này chỉ phù hợp với thời đại radar được thiết lập bằng phần cứng và khó thay đổi. Tuy nhiên, do các thế hệ thiết bị phát tín hiệu ngày nay được xây dựng trên cơ sở kỹ thuật số, nên việc thay đổi dạng sóng vô tuyến hết sức dễ dàng. Để bắt kịp những tín hiệu liên tục thay đổi này, DARPA tiến hành thử nghiệm phương pháp mới gọi là “tác chiến điện tử nhận thức”, nhằm vận dụng AI để phát hiện, phân loại và chặn ngay lập tức các đường truyền vô tuyến đáng nghi.
5 cốt lõi công nghệ
Theo tạp chí The Week dẫn lời Thứ trưởng Bob Work, nội dung đầu tiên cấu thành cốt lõi công nghệ của chiến lược mới là các hệ thống deep-learning, đóng vai trò nền tảng của trí thông minh nhân tạo. Ví dụ, hệ thống có thể tự động truy xuất mọi dữ liệu thu được từ các vệ tinh, tiến hành phân tích và đưa ra những điểm mấu chốt đáng ngờ để con người xem xét kỹ hơn; hoặc được ứng dụng trong chiến lược phòng không và chiến tranh mạng.
Thứ hai, kết hợp điểm mạnh của con người và máy móc trong quá trình ra quyết định, chẳng hạn như trường hợp của mũ phi công F-35, xử lý nhanh chóng thông tin trước khi phát lên màn hình trước mắt của phi công.
Thứ ba là hỗ trợ các chiến dịch của con người, bằng cách sử dụng những công nghệ hiện có như thiết bị đeo được, kính thông minh và áo giáp công nghệ cao. DARPA đang chạy chương trình Alias nhằm phát triển phi công robot hỗ trợ phi công chính, giảm số lượng người trong buồng lái.
Cốt lõi thứ tư là phối hợp tác chiến với các hệ thống không người lái, chẳng hạn như kết hợp trực thăng tấn công AH-64 với UAV MQ-1 Gray Eagle hay triển khai song song máy bay trinh sát P-8 với UAV MQ-4 Triton.
Phần cuối cùng là vận hành các vũ khí bán tự động và kết nối mạng cho chúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.