Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp muốn thu hút con gái... đi học nghề

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/01/2022 12:30 GMT+7

Bên cạnh những mục tiêu quan trọng, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn hướng đến việc... thu hút con gái đi học nghề.

Thủ tướng Chính phủ ngày 30.12 đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một nữ sinh viên ngành điện công nghiệp

T.L

Quyết định này khẳng định phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giáo dục nghề nghiệp phải thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Việt Nam sẽ phấn đấu để có 70 trường chất lượng cao, đào tạo 150 ngành nghề trọng điểm, trong đó phải có 5-10 ngành nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Đến năm 2030, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề nâng lên 50-55%, đồng thời có 90 trường chất lượng cao và 10-20 ngành nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.

Đặc biệt, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp còn quan tâm tới việc cân bằng giới tính trong học nghề. Đây là một điểm hoàn toàn mới trong các văn bản về giáo dục nghề nghiệp từ trước đến nay. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, nữ sinh viên sẽ đạt hơn 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới và đến năm 2030 là hơn 40%.

Nguyễn Thị Kim Quyên, một "bóng hồng" đã tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật ô tô Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng

N.K

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: “Lâu nay, tỷ lệ nữ đi học nghề rất ít so với nam, nhất là ở các ngành kỹ thuật thì nam áp đảo. Tại TP.HCM, nữ chỉ chiếm từ 8-10% mỗi năm. Một trong những nguyên nhân là khi nói đến học nghề, phụ huynh và nữ sinh đều nghĩ ngay đến những nghề như điện tử, cơ khí, xây dựng… nghe có vẻ nặng nhọc, vất vả. Trong khi đó, vẫn còn có nhiều ngành nghề khác dành cho nữ giới như chăm sóc sắc đẹp, du lịch, kế toán, tài chính ngân hàng...".

Cụ thể, một số trường như CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có tỷ lệ nữ sinh viên chỉ chiếm 4-5%. Riêng những ngành như cơ khí, công nghệ ô tô thì nữ chỉ 2%. Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn rất muốn tuyển nữ làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật vì có những vị trí cần sự khéo léo, tỉ mỉ, mềm mỏng của phụ nữ.

"Có doanh nghiệp còn cấp học bổng cho nữ sinh học bậc CĐ ở các ngành điện, điện tử, tự động hóa và cơ điện. Trong những năm gần đây, trường cũng khuyến khích nữ vào học các ngành kỹ thuật bằng cách hỗ trợ 50% học phí, nhưng số lượng vẫn còn thấp”, tiến sĩ Kha chia sẻ.

Còn tại Trường trung cấp kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương, tỷ lệ nữ chiếm khoảng gần 20%. Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng của trường, cho hay ngành công nghệ thông tin có nhiều nữ nhất, các ngành bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, công nghệ ô tô thì hiếm hơn. "Thời đại công nghệ phát triển, người làm trong lĩnh vực kỹ thuật không còn vất vả như trước, nên nữ học kỹ thuật vẫn rất tốt, thậm chí còn có một số lợi thế nhờ sự tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo", bà Trang Thủy nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.