Chiến lược thực dụng của bà Harris

02/09/2024 05:30 GMT+7

Không ngại thay đổi quan điểm chính sách, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thể hiện rõ chiến lược thực dụng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Chỉ ứng cử sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui, nên vào thời điểm chỉ còn khoảng 10 tuần đến ngày bầu cử, bà Harris mới có cơ hội đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình để trả lời phỏng vấn với tư cách ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ.

Chiêu bài "nói ít tránh vạ miệng"

CNN ngày 30.8 đã phát sóng cuộc trả lời phỏng vấn bà Harris và ứng viên phó tổng thống Tim Walz. Cuộc trả lời phỏng vấn còn là một động thái để bà Harris đối phó việc bị phe Cộng hòa chỉ trích là né tránh truyền thông. Trong khi đó, theo giới quan sát thì chiến thuật hạn chế trả lời truyền thông cũng là cách để bà Harris phòng ngừa rủi ro "vạ miệng".

Bà Harris gọi chuyến thăm nghĩa trang của ông Trump là 'chiêu trò chính trị'

Lên sóng CNN, đương kim Phó tổng thống Mỹ một lần nữa sử dụng chiến thuật "nói ít". Điển hình, khi giải thích về việc chống khai thác dầu đá phiến (vốn được cho là có thể gây nhiều hệ lụy về môi trường) chuyển sang chấp nhận hình thức khai thác này, bà đã nói chung chung rằng tuy thay đổi quan điểm nhưng "giá trị của tôi không thay đổi", đồng thời khẳng định sẽ theo đuổi chính sách tập trung vào kinh tế xanh. Cách nói chung chung này được đánh giá có thể để có được sự ủng hộ của cả những người theo xu hướng "năng lượng sạch", lẫn các cử tri ở bang chiến địa như Pennsylvania - nơi mà khai thác dầu đá phiến là ngành công nghiệp quan trọng. Tương tự như vậy, bà cũng né tránh việc giải thích chi tiết việc thay đổi quan điểm về siết chặt biên giới và vấn đề người nhập cư. Thậm chí, khi trả lời phỏng vấn CNN, Phó tổng thống Harris còn chủ động bảo cho qua câu hỏi tiếp theo.

Chiến lược thực dụng của bà Harris- Ảnh 1.

Phó tổng thống Kamala Harris thăm siêu thị ở bang Georgia ngày 29.8

ẢNH: REUTERS

Cách thức tránh đi sâu vào chi tiết có thể hạn chế việc "vạ miệng" hoặc bị đối thủ bắt bẻ chi tiết, nhưng ngược lại bà Harris cũng khiến cho giới quan sát cho rằng không có được định hướng chính sách rõ ràng. Cũng có ý kiến cho rằng có thể bà Harris đang "giấu bài" trước khi tranh luận trực tiếp với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thách thức còn phía trước

Nhận xét về cuộc trả lời phỏng vấn của bà Harris trên CNN, Eurasia Group (Mỹ) - công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới - phân tích: "Mặc dù câu trả lời của Phó tổng thống Harris chưa đủ thuyết phục những chỉ trích cho rằng bà đã "lật lọng", nhưng rõ ràng bà đang thể hiện chủ nghĩa thực dụng hơn là chủ nghĩa lý tưởng tiến bộ. Cụ thể, bà Harris thể hiện sẵn sàng ủng hộ khai thác dầu đá phiến, sẵn sàng siết chặt biên giới phía nam và loại bỏ chương trình medicare (một chương trình bảo hiểm liên bang - NV) nhằm tìm cách có được lá phiếu".

Nếu thắng ông Trump, bà Harris hứa làm điều này ngay khi nhậm chức Tổng thống Mỹ

Nhận định thêm về chiến lược của bà Harris, phân tích từ Eurasia đánh giá: "Tiếp nối những gì chúng ta đã thấy tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, bà Harris tự thể hiện mình là một "chiến binh vui vẻ", tập trung kêu gọi người Mỹ "sẵn sàng cho một con đường mới phía trước… được thúc đẩy bởi hy vọng và sự lạc quan". Bà Harris cũng tránh nhấn mạnh đến hình ảnh người phụ nữ đầu tiên và người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức tổng thống, thay vào đó nói rằng bà là "người tốt nhất để làm công việc này vào thời điểm này đối với tất cả người Mỹ, bất kể chủng tộc và giới tính".

Đương kim Phó tổng thống Mỹ được đánh giá đã thể hiện sự lưu loát trong việc trình bày và tìm cách thuyết phục điều đó. Tuy nhiên, theo nhận định của Eurasia Group thì cuộc trả lời phỏng vấn CNN hay những gì vừa diễn ra "vẫn còn nhẹ nhàng", lần "thượng đài" thực sự khó khăn phải chờ đến ngày 10.9 khi bà Harris và cựu Tổng thống Donald Trump lần đầu tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình.

Tranh cãi bức ảnh ông Trump chụp ở nghĩa trang

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 31.8 chỉ trích việc cựu Tổng thống Donald Trump và đội ngũ của ông ngày 26.8 đã đến nghĩa trang quốc gia Arlington (bang Virginia) rồi chụp hình tại đây.

Nguyên nhân là đại diện lực lượng lục quân Mỹ cho biết 1 thành viên chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đã đột ngột đẩy nhân viên làm việc tại nghĩa trang ra, để ông Trump chụp ảnh và quay video với gia đình các quân nhân thiệt mạng. Vụ việc xảy ra ở khu vực 60 của nghĩa trang, nơi lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq và Afghanistan được chôn cất và cấm quay phim chụp hình cho mục đích chính trị.

Chiến dịch của ông Trump đã công kích nhân viên tại nghĩa trang nêu trên là "cá nhân đáng khinh" và nói rằng người này đang gặp vấn đề tâm thần. Tuy nhiên, Lục quân Mỹ cho biết nhân viên đã hành động với sự chuyên nghiệp. Đáp trả lại bà Harris, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa J.D Vance viết: "Ông Trump đến đó theo lời mời của những gia đình có người thân qua đời vì sự kém cỏi của bà".

Bảo Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.