Chiến lược Trung Đông của ông Putin sau vụ Su-24 bị bắn

26/11/2015 09:10 GMT+7

Sau vụ việc chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, nhiều người cho rằng chiến lược đối với Trung Đông hiện nay của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp khó.

Sau vụ việc chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, nhiều người cho rằng chiến lược đối với Trung Đông hiện nay của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp khó.
 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hành động bắn rơi máy bay Nga là tội ác và “đâm sau lưng Nga của những kẻ đồng lõa với khủng bố” - Ảnh: AFPTổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hành động bắn rơi máy bay Nga là tội ác và “đâm sau lưng Nga của những kẻ đồng lõa với khủng bố” - Ảnh: AFP
Ngày 24.11, tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi chiếc chiến đấu cơ Su-24 của Không quân Nga với cáo buộc máy bay Nga bất chấp cảnh báo của phía Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận nước này. Và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngần ngại không chiến, bắn hạ chiếc máy bay của Nga.
Khi biết tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận, thẳng thừng tuyên bố hành động bắn rơi máy bay Nga là tội ác và “đâm sau lưng Nga của những kẻ đồng lõa với khủng bố”. Còn Mỹ, Pháp và cả NATO đều đứng về phía đồng minh của mình là Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mỉa mai người đồng cấp Nga là người ngoài cuộc trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngay sau tuyên bố cứng rắn đó là tăng cường an ninh quân sự tại Syria, đồng thời trong chiến dịch tại Syria, Nga khẳng định sẽ tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào có thể gây nguy hiểm cho quân đội Nga.
Ngày 24.11, tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc chiến đấu cơ Su-24 của Không quân Nga với cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận. Trong ảnh: một chiếc Su-24 ở căn cứ không quân của Nga tại Syria - Ảnh: Reuters
Chiến lược Trung Đông của Tổng thống Putin gặp khó?
Theo The Wall Street Journal ngày 24.11, kể từ khi tiến hành chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria hôm 30.9, Tổng thống Nga Putin đã phát ra tín hiệu về vai trò của mình trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Trung Đông. Rất nhanh chóng, Nga trở thành một nhân tố chính trên bàn cờ ở Trung Đông, chủ động kêu gọi các nước như Iran, Iraq, và chính phủ Syria tham gia cùng mình.
Chiến lược này đã nhận được những đánh giá tích cực từ các nước Trung Đông, còn các nước châu Âu dù ban đầu chỉ trích nhưng dần cũng không thể không thừa nhận vai trò quan trọng của Nga ở Trung Đông, đặc biệt là tình hình ở Syria.
Thêm vào đó, sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris hôm 13.11, cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết giữa các nước với nhau, trong đó dĩ nhiên phải có Nga, và chính Nga cũng đã mong muốn có sự đoàn kết đó. Liên Hiệp Quốc mở đường bằng nghị quyết kêu gọi tất cả thành viên tham gia cuộc chiến chống IS; Pháp mở lời bằng đề xuất thành lập một liên minh toàn cầu chống IS, có cả Nga.
Đây cũng được đánh giá là cơ hội để Nga xích lại gần hơn với các nước châu Âu, vốn là một chính sách đối ngoại về lâu về dài mà Nga hướng đến. Dù quan hệ Nga và châu Âu trước đó không mấy êm đẹp vì cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Giữa lúc mọi thứ đang trôi chảy, Nga đang có thế thuận lợi thì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga đặt ra một loạt câu hỏi, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên khối NATO. Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ việc này sẽ tác động đến quan điểm của người dân Nga về chiến lược của ông Putin ở Trung Đông và cũng sẽ khiến cơ hội hợp tác giữa Nga và các bên giảm đi.
Trên thực tế, sau quyết định không kích ở Syria đầy quyết đoán, ông Putin đã có được tỉ lệ ủng hộ của người dân rất cao và người Nga ủng hộ chính sách này của ông. Thế nhưng, theo chuyên gia về chính sách công Rob Garver tại Đại học Georgetown, đây là lần đầu tiên một binh sĩ Nga thiệt mạng khi đang trực tiếp tham gia chiến dịch không kích ở Syria, và nó ít nhiều sẽ khiến dư luận Nga lo lắng về sự an toàn của các binh sĩ được triển khai ở vùng chiến sự này.
Thêm vào đó, nếu Nga đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ như chính tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin thì mối quan hệ giữa Nga và NATO sẽ rơi vào thế khó. Bởi lẽ, NATO là một khối hiệp ước quân sự, nếu khối này viện dẫn điều 5 trong hiệp ước NATO thì chiến lược của ông Putin nhắm đến có thể gặp khó thực sự khi phải đối đầu với NATO. Điều 5 có nội dung là: “Khi một thành viên của liên minh bị tấn công, thì điều đó có nghĩa là tất cả các thành viên còn lại cũng bị tấn công. Từ đó, việc đáp trả lại cuộc tấn công sẽ dựa trên nguyên tắc phòng thủ tập thể”.
Một ngôi làng tại Syria trúng không kích của không quân Nga. Vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi xảy ra trong lúc chiến dịch can thiệp của Nga vào Syria được đánh giá đang "thuận buồm xuôi gió" trong nỗ lực của Moscow nhằm khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông - Ảnh: AFP
"Giơ cao đánh khẽ"
Tổng thống Nga đã tuyên bố rất cứng rắn, nhưng ông sẽ phải đắn đo về những hệ lụy nếu mạnh tay. Nhiều chuyên gia nhận định Nga sẽ không trực tiếp tấn công Thổ Nhĩ Kỳ mà sẽ chọn những biện pháp đáp trả khác.
Theo ông Vasily Kashin, một nhà phân tích thuộc cơ quan nghiên cứu quốc phòng CAST có trụ sở tại Moscow, Nga có thể sẽ tăng cường không kích và nhằm sự chú ý vào các mục tiêu nổi dậy ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuân như nhóm người Turkmen. Thêm vào đó, Nga sẽ mở rộng chiến dịch của mình để ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến vấn đề dầu mỏ, theo The Wall Street Journal.
Nhà bình luận Roland Oliphant của tờ Telegraph thì cho rằng những sự cố rơi máy bay như thế này đã nằm trong dự liệu của các tướng lĩnh Nga khi phát động cuộc chiến chống IS tại Syria. Bởi vậy, họ chắc chắn đã có những kế hoạch dự phòng để làm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết vấn đề theo hướng phù hợp nhất với lợi ích chiến lược của Nga.
Theo ông Oliphant, Nga sẽ không lao đầu vào một cuộc chiến không có khả năng giành chiến thắng trước NATO, bởi Nga đang phải chịu nhiều sức ép về kinh tế trước các lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây cũng như tình thế bị cô lập chính trị vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chuyên gia này nhận định ông Putin sẽ chọn các biện pháp về ngoại giao và kinh tế để đáp trả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó ông Ian Kearns, giám đốc Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (ELN), tổ chức về ngoại giao và giải trừ vũ trang, nhận định Nga sẽ không quá mạnh tay trả đũa bởi điều đó khiến nước này lỡ cơ hội hòa giải với châu Âu.
Về phía NATO, phản ứng ban đầu dù là đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn hạ máy bay Nga nhưng cả Mỹ và NATO đều hối thúc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ giảm căng thẳng để tập trung chống IS. Tổng thống Obama nói rằng nhiệm vụ hàng đầu của Washington lúc này là cố gắng không để căng thẳng giữa Moscow và Ankara trở nên tồi tệ hơn, thay vào đó các bên nên tập trung tiêu diệt IS.
Còn ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên, nói rằng “kẻ thù chung” của thế giới cũng như của cả hai nước là IS, chứ không phải là Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ông kêu gọi cả hai đối thoại để xoa dịu bất đồng liên quan đến vụ bắn rơi máy bay, theo Bloomberg.
Trong một diễn biến mới nhất, Đại sứ Nga tại Pháp, ông Alexander Orlov, tiếp tục khẳng định Nga sẵn sàng lập một trung tâm chỉ huy với sự tham gia của Mỹ, Pháp và tất cả các nước sẵn sàng tham gia liên minh toàn cầu chống IS. Đại sứ Nga nói rằng Nga sẵn sàng chào đón Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ muốn tham gia, theo Sputnik.
Như vậy, vụ việc chiến đấu cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã khiến các bên căng thẳng ngoại giao nhưng cả Nga, NATO đều nhận thức rõ kẻ thù lớn hơn là IS và những động thái của cả hai bên đều sẽ phải được cân nhắc rất kỹ. Nói như vậy có nghĩa là chiến lược của Tổng thống Putin chưa hẳn đã gặp khó sau vụ việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.