Nga nghi ngờ khả năng hòa đàm
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Tổng thống Putin nhận xét rằng: "Một khi nguồn lực cạn kiệt, Ukraine tìm cách đạt được lệnh ngừng bắn, và bắt đầu đàm phán để tranh thủ tái bổ sung nguồn lực và tiến đến khôi phục năng lực chiến đấu".
Theo Reuters, nhà lãnh đạo Nga cho hay nhiều nhà trung gian tiềm năng đã hỏi ông liệu Nga sẵn sàng ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt hay không. Câu trả lời của ông là Moscow khó có thể buông súng nếu đối mặt cuộc phản công của Ukraine.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 565 có diễn biến gì nóng?
Ông Putin cho hay chiến dịch đặc biệt của Nga sẽ còn kéo dài trước việc phương Tây quyết định viện trợ bom chùm và đạn uranium nghèo cho Kyiv.
Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ trích phương Tây về kế hoạch cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Ukraine và Nga đều công bố tổn thất của nhau
TASS dẫn lời Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định cuộc phản công của Ukraine đến nay chỉ thu hoạch toàn sự thất bại và quân đội chính quyền Kyiv hứng chịu tổn thất nặng nề.
Theo thống kê được nhà lãnh đạo Nga công bố tại diễn đàn ở Vladivostok, 71.500 binh sĩ Ukraine đã tử trận kể từ bắt đầu chiến dịch phản công. Bên cạnh đó, Kyiv cũng được cho là mất đi 543 xe tăng và gần 18.000 xe bọc thép thuộc nhiều loại khác nhau trong giai đoạn này.
Nga chưa công bố số thương vong và tổn thất của Ukraine từ đầu chiến dịch.
Tình báo Mỹ Ukraine có thể chọc thủng tuyến phòng thủ Nga
Về khả năng liệu Nga cần huy động quân sự đợt mới hay không, ông Putin cho hay mỗi ngày có từ 1.000 đến 1.500 người Nga đăng ký gia nhập quân đội.
Như vậy, ước tính có khoảng 270.000 người đã tòng quân trong 6-7 tháng qua.
Cũng trong ngày 12.9, trên tài khoản Telegram, Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine ước tính Nga tổn thất 269.760 binh sĩ kể từ khi chiến dịch đặc biệt bắt đầu từ ngày 24.2.2022. Trong số này, 550 binh sĩ thiệt mạng trong vòng 24 giờ đến ngày 12.9.
Nga cũng được cho là mất 4.568 xe tăng, 8.778 xe chiến đấu bọc thép, 5.872 hệ thống pháo, 764 hệ thống phóng loạt, 515 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.645 máy bay không người lái và 18 tàu.
Cả Nga lẫn Ukraine đều bác bỏ số liệu thống kê do đối phương công bố.
Tên lửa tầm xa gắn bom chùm sẽ đến Ukraine?
Theo Reuters, bên cạnh bom chùm và đạn uranium nghèo, Mỹ có thể viện trợ cho Kyiv Hệ thống tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) hoặc Hệ thống Tên lửa Dẫn đường Phóng loạt (GMLRS) được gắn bom chùm.
Tuy nhiên, chính quyền Washington vẫn chưa có quyết định cuối cùng là sẽ chuyển hệ thống gì cho Ukraine trong thời gian tới.
Mỹ tính cung cấp tên lửa tầm xa mang đạn chùm cho Ukraine
Còn Đài phát thanh Thụy Điển (SR) đưa tin chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng viện trợ dòng tiêm kích Gripen cho Ukraine.
Trong quá trình cân nhắc, chính quyền Stockholm muốn biết liệu việc chuyển giao có gây ảnh hưởng cho năng lực phòng thủ của Thụy Điển hay không, và bao lâu thì công ty Saab có thể giao tiêm kích mới cho Không quân Thụy Điển.
Về khả năng Mỹ viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định dù loại vũ khí gì cũng không thay đổi tình hình trên các mặt trận, mà theo ông là đang nghiêng về phía Nga.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu nội các phải công khai tài sản, trong nỗ lực minh bạch hóa các nguồn thu và chi tiêu sau một số vụ tham nhũng có dính líu các quan chức bị phanh phui ở nước này.
Bình luận (0)