Chiến sự đến tối 16.2: Nga ồ ạt tấn công tên lửa vào hạ tầng Ukraine

Khánh An
Khánh An
16/02/2023 18:51 GMT+7

Phía Ukraine cho hay lực lượng Nga phóng 32 tên lửa nhằm vào những cơ sở hạ tầng trọng yếu tại nhiều nơi trên cả nước.

Chiến sự đến tối 16.2: Nga ồ ạt tấn công tên lửa vào hạ tầng Ukraine - Ảnh 1.

Một tòa nhà tại Bakhmut bị thiệt hại trong chiến sự ở Ukraine

REUTERS

Đài CNN ngày 16.2 dẫn thông tin từ Không quân Ukraine cho hay Nga tiến hành tấn công tên lửa ồ ạt nhằm vào những cơ sở hạ tầng trọng yếu, với tổng cộng ít nhất 32 tên lửa.

Trong số đó, ít nhất 16 tên lửa đã bị đánh chặn bởi lực lượng phòng không Ukraine. "Không may, một số tên lửa hành trình Kh-22 đã phóng đến mục tiêu, gây thiệt hại cơ sở hạ tầng trọng yếu", theo Không quân Ukraine.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho hay Nga còn tấn công bằng máy bay không người lái (UAV).

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày thứ 357 có gì nóng?

"Không may là có những nơi bị trúng hỏa lực ở miền bắc và miền tây Ukraine, cũng như tại các vùng Dnipropetrovsk và Kirovohrad", ông cho biết và thông tin thêm rằng lực lượng phòng không Ukraine đã có thể đương đầu với hầu hết tên lửa và UAV của đối phương.

Trước đó, giới chức vùng Lviv phía tây Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tấn công trúng một cơ sở hạ tầng trọng yếu bằng 3 tên lửa. Họ cho biết cơ sở này không phải trọng yếu về cấp điện, nhưng không tiết lộ thêm.

Nga chưa bình luận về những thông tin trên. Hãng Sputnik ngày 16.2 đưa tin 2 UAV của Ukraine đã bị bắn rơi tại vùng biển ở Sevastopol vào sáng cùng ngày, trong khi lực lượng phòng không Nga tại đây tiếp tục sẵn sàng.

"UAV của Ukraine lại tấn công một lần nữa. Theo tình hình hiện tại, 2 UAV đã bị bắn rơi trên biển. Lực lượng và hệ thống phòng không của chúng ta tiếp tục đẩy lùi sự tấn công", theo thị trưởng Sevastopol Mikhail Razvozhayev.

Phương Tây nói Nga mở đợt tấn công mới dù chưa sẵn sàng

Nga tấn công dù chưa sẵn sàng?

Nga đã và đang tăng cường số lượng binh sĩ đóng ở biên giới và bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine. Tuy nhiên, các nước phương Tây cho rằng ngoài số lượng nhiều hơn thì chưa thấy dấu hiệu gì khác để chứng tỏ năng lực hiệp đồng chiến đấu của quân đội Nga đã cải thiện đủ để giành kiểm soát lãnh thổ mới.

"Điều này có vẻ chỉ là mong muốn hơn là thực tế", CNN dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ bình luận về nỗ lực của Moscow.

Tương tự, một quan chức cấp cao của Anh nhận định: "Các lực lượng Nga khó có thể được tổ chức tốt hơn và cũng khó có thể thành công hơn trước, mặc dù họ dường như sẵn sàng điều thêm nhiều quân ra mặt trận".

Xem thêm: Phương Tây cho rằng lực lượng Nga phải mở đợt tấn công mới dù chưa sẵn sàng

Thụy Sĩ xem tịch thu tài sản Nga là vi hiến

Tầm quan trọng của Bakhmut

Bakhmut, thành phố công nghiệp thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine, đã trở thành tâm điểm của xung đột trong nửa năm qua. Quân đội Nga đã tập trung lực lượng để bao vây và tấn công nơi này, dẫn đầu là nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner, với hy vọng chiếm được thành phố.

Cho đến nay, Moscow vẫn chưa đạt được những bước tiến đáng kể ở Bakhmut, ngay cả sau khi thị trấn Soledar gần đó thất thủ vào tháng trước, theo tuyên bố của người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Bakhmut có ít giá trị về mặt chiến lược. Tuy nhiên, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy nói với Newsweek hôm 14.2 rằng thành phố này là chìa khóa để đạt được một trong những nhiệm vụ mà Moscow đặt ra khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Xem thêm: Nga thừa nhận không thể thắng ở Ukraine nếu không giành được Bakhmut

NATO kêu gọi tăng sản xuất đạn để tiếp tế cho Ukraine

Khó tịch thu tài sản Nga

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 15.2 dẫn nghiên cứu của nhóm công tác do Văn phòng Tư pháp liên bang thành lập cho biết việc tịch thu tài sản tư nhân của Nga sẽ ảnh hưởng đến hiến pháp và trật tự pháp lý hiện hành trong nước, theo Reuters.

Thụy Sĩ đã phong tỏa tài sản tài chính trị giá 7,5 tỉ franc Thụy Sĩ (8,13 tỉ USD) theo các lệnh cấm vận được đưa ra sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, việc hỗ trợ Ukraine sẽ tiếp tục được thực hiện, độc lập với việc thảo luận về các tài sản đã bị phong tỏa.

Một nhóm công tác được thành lập để thảo luận vấn đề này cho biết pháp luật Thụy Sĩ không cho phép sung công tài sản tư nhân có nguồn gốc hợp pháp mà không bồi thường.

Xem thêm: Thụy Sĩ xem tịch thu tài sản Nga là vi hiến

Ukraine sẽ được phương Tây cung cấp chiến đấu cơ?

Dự thảo nghị quyết hòa bình

Tờ The Guardian ngày 16.2 đưa tin Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết nhấn mạnh "nhu cầu đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài trong thời gian sớm nhất" ở Ukraine.

LHQ cũng sẽ đề nghị Moscow rút quân và kêu gọi chấm dứt sự thù địch. Đại hội đồng 193 thành viên có thể bỏ phiếu vào ngày 23.2, sau 2 ngày trình bày bởi hàng chục nước.

Ukraine và các nước ủng hộ hy vọng làm sâu sắc thêm sự cô lập về ngoại giao đối với Nga bằng cách tìm kiếm phiếu ủng hộ từ gần 3/4 thành viên đại hội đồng, nhằm đạt tỷ lệ bằng hoặc cao hơn sự ủng hộ đối với một số nghị quyết liên quan trong năm ngoái.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy từ chối bình luận về dự thảo nghị quyết, vốn được gửi đến các nước vào ngày 15.2.

Lớp học bên trong ga tàu điện ngầm ở Kyiv

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.