Chiến sự đến tối 18.3: Ukraine tuyên bố đẩy lùi 100 đợt tấn công của Nga

Khánh An
Khánh An
18/03/2023 19:04 GMT+7

Quân đội Ukraine cho biết đã đẩy lùi các đợt tấn công của Nga ở Donetsk, trong khi Nga thông tin về thiệt hại của Ukraine tại nhiều khu vực.

Chiến sự đến tối 18.3: Ukraine tuyên bố đẩy lùi 100 đợt tấn công của Nga - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo M77 gần Bakhmut ở Donetsk vào ngày 17.3

AFP

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 18.3 cho hay lực lượng nước này đã đẩy lùi 100 đợt tấn công của Nga trong vòng 24 giờ, trong khi phía Nga tập trung tấn công về các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Mariinka và Shakhtarsk ở Donetsk.

Không quân Ukraine tiến hành 6 cuộc tấn công vào các căn cứ tạm thời của Nga, trong khi lực lượng pháp binh Ukraine tấn công 2 căn cứ và một cứ điểm phòng không Nga, theo trang Kyiv Independent.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 387 có diễn biến gì nóng?

Cùng ngày, hãng Sputnik đưa tin 2 nhóm "phá hoại và do thám" của Ukraine đã bị phía Nga triệt phá tại hướng Kupiansk và việc luân chuyển quân của Ukraine bị ngăn chặn.

"Theo hướng Kypiansk, gần các làng Rozovka và Novoselovskoye, các biện pháp do thám giúp định vị và hỏa lực pháo binh tấn công 2 nhóm phá hoại và do thám của đối phương", theo phát ngôn viên Evgeni Polovodov của Bộ Quốc phòng Nga.

Ngoài ra, phía Ukraine còn tổn thất 2 xe chiến đấu bộ binh ở rìa phía đông làng Stelmakhovka. Tại tỉnh Kharkiv, các đơn vị quân đội Nga đã đẩy lùi nỗ lực tấn công của phía Ukraine gần các làng Masyutivka và Hryanykivka.

Ukraine và Nga chưa bình luận về những thông tin trên do đối phương đưa ra.

Quan chức Mỹ, Ukraine họp trực tuyến

Theo Reuters ngày 18.3, nhóm 3 quan chức cấp cao về an ninh Mỹ đã thảo luận trực tuyến với các quan chức Ukraine về việc viện trợ quân sự cho Kyiv.

Phản công lớn, Ukraine có thể chịu tổn thất lớn quá mức chịu đựng

Chánh văn phòng Andriy Yermak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay 2 bên đã thảo luận về khả năng viện trợ xe cộ, vũ khí và đạn dược.

Ngoài ông Yermak, tham gia thảo luận còn có Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, tướng Valeriy Zaluzhnyi và một số tướng lĩnh và quan chức khác.

Về phía Mỹ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.

Theo ông Yermak, vào cuối cuộc họp, Tổng thống Zelensky đã tham dự và chia sẻ quan điểm về việc giành lại kiểm soát những vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát trong chiến dịch.

"Chúng tôi đã thông tin với các đồng minh về chi tiết tình hình ở mặt trận, chiến dịch tại những khu vực khó khăn nhất, cũng như nhu cầu cấp bách của quân đội Ukraine", theo ông Yermak.

Nga phản đối lệnh bắt Tổng thống Putin do tòa án quốc tế ban hành

Nga bác bỏ lệnh bắt giữ ông Putin

Điện Kremlin ngày 18.3 đã lên tiếng chỉ trích việc Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ra trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi không công nhận thẩm quyền của ICC và tuyên bố lệnh bắt giữ là vô hiệu.

"Nga, cũng như một số quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này và theo đó, bất kỳ quyết định nào kiểu này đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp lý", hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ông cho biết đây là "điều duy nhất mà tôi sẽ và có thể nói" với báo giới về hành động của ICC, theo hãng tin TASS.

Ông Peskov không trả lời khi được hỏi rằng liệu các quyết định của tòa án có ảnh hưởng đến việc Tổng thổng Putin thăm các quốc gia đã công nhận thẩm quyền của ICC hay không.

Tổng thống Putin: Nga vẫn sống sót dù mất thị trường phương Tây

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói các quyết định của ICC "hoàn toàn không có ý nghĩa" đối với Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin nói động thái này là bằng chứng về "sự cuồng loạn" của phương Tây. "Chúng tôi coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Tổng thống Liên bang Nga đều là hành vi gây hấn với đất nước chúng tôi", ông Volodin nói, theo Reuters.

Trong lệnh bắt giữ được công bố hôm 17.3, ICC cáo buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh vì trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Động thái của ICC sẽ buộc 123 quốc gia thành viên của tòa phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ, và chuyển nhà lãnh đạo tới The Hague (Hà Lan) để xét xử.

Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998, có trụ sở tại The Hague. Tòa này có 123 quốc gia thành viên và không nằm dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc. Cả Nga, Ukaine cũng như Mỹ và Trung Quốc đều không phải là thành viên của tòa.

Slovakia viện trợ máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine

Xem thêm: Nga lên án lệnh bắt Tổng thống Putin do tòa quốc tế ban hành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.