Chiến sự đến tối 26.2: ông Putin nói NATO đã can dự vào xung đột Ukraine

26/02/2023 19:21 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã can dự vào chiến sự Ukraine với việc viện trợ vũ khí cho Kyiv và âm mưu chia cắt nước Nga.

Chiến sự đến tối 26.2: ông Putin nói NATO đã can dự vào xung đột Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

AFP

Nga đối mặt cuộc chiến sống còn

Trả lời phỏng vấn Đài Rossiya-1, chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh: "[NATO] đã gửi hàng chục tỉ USD giá trị vũ khí cho Ukraine. Đó thật sự là hành động can dự". Theo ông, điều đó có nghĩa là NATO tham gia chiến sự, dù gián tiếp.

Ông Putin cáo buộc phương Tây thực hiện mưu đồ phá vỡ nước Nga. Vào thời điểm bẻ gãy nước Nga thành từng phần nhỏ, chỉ khi ấy phương Tây "có lẽ mới chấp nhận chúng ta vào cái gọi là "gia đình của những kẻ văn minh", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Xem nhanh: Ngày 367 chiến dịch Nga, tư lệnh Ukraine thăm Bakhmut, ông Putin lên án NATO

Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin cũng nhắc lại lời kêu gọi về tương lai của một thế giới đa cực, và cho hay ông không nghi ngờ gì viễn cảnh này sẽ đến.

Tổng thống Nga gọi cuộc đối đầu với phương Tây về Ukraine là cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của nước Nga và dân tộc Nga.

Trước đó, Mỹ bác bỏ cáo buộc của Moscow rằng Washington muốn chia cắt nước Nga, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo cuộc xung đột giữa Nga và NATO có thể mở màn cho chiến tranh thế giới thứ ba, theo Reuters.

Chiến sự đến tối 26.2: ông Putin nói NATO đã can dự vào xung đột Ukraine - Ảnh 2.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ cung cấp cho Ukraine

SHUTTERSTOCK

Thông tin trái chiều về số phận làng gần Bakhmut

Hôm 26.2, quân đội Ukraine cho hay Nga vấp phải thất bại trong việc triển khai các đợt tấn công gần làng Yahidne vào hôm qua, theo Reuters. Tuy nhiên, lực lượng lính đánh thuê Wagner trước đó khẳng định đã kiểm soát ngôi làng này.

Yahidne gần Bakhmut, hiện chỉ còn lại khoảng 5.000 dân so với con số trước chiến sự là 70.000 người. Đây cũng là khu vực chứng kiến một số cuộc giao tranh ác liệt nhất vào thời điểm tròn năm chiến sự.

Tư lệnh lục quân Ukraine ra tiền tuyến Bakhmut khích lệ binh sĩ

Trước đó một ngày, ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner, cũng tuyên bố các đơn vị dưới quyền đã kiểm soát làng Berkhivka, cũng gần Bakhmut.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine cho hay giao tranh vẫn tiếp diễn sau những thất bại của Nga gần 6 khu vực, bao gồm làng Yahidne và Berkhivka thuộc Donetsk.

Theo thông tin của Lực lượng vũ trang Ukraine, Nga tiếp tục tập trung triển khai các đợt tấn công dọc theo Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtar.

Trong một diễn biến liên quan, Bloomberg dẫn thông báo ngày 25.2 của quân đội Ukraine cho biết trung tướng Oleksandr Syrskiy, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, đã đến thăm thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk ở miền đông trong ngày.

Tướng Ukraine thăm tiền tuyến Bakhmut

Ukraine chuẩn bị mở màn cuộc tấn công mới?

Trong lúc miền đông Ukraine vẫn là tâm điểm chiến sự, ông Vadym Skibitsky, Phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, cho biết chính quyền Kyiv đang lên kế hoạch giành lại những vùng đất do Nga kiểm soát trong mùa xuân năm nay. Và lực lượng Ukraine sẽ "không bao giờ ngừng lại cho đến khi Ukraine trở về với biên giới vào năm 1991".

Ukraine tuyên bố phản công mùa xuân nhằm vào miền nam

"Một trong các mục tiêu quân sự chiến lược của chúng tôi là cố gắng thọc sâu vào trận địa của Nga ở miền nam, giữa Crimea và lãnh thổ Nga", ông Skibitsky trả lời phỏng vấn tổ chức báo chí Funke Media Group của Đức.

Bên cạnh đó, Ukraine đặt mục tiêu giải phóng toàn bộ các lãnh thổ mà Nga hiện kiểm soát, bao gồm Crimea.

Trong khi đó, Reuters cũng dẫn lời ông Skibitsky nêu lên khả năng trong tương lai Ukraine có thể tấn công các kho đạn, thiết bị quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Một trong những mục tiêu có thể là xung quanh thành phố Belgorod, nơi Nga triển khai các đợt tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

Chiến sự đến tối 26.2: ông Putin nói NATO đã can dự vào xung đột Ukraine - Ảnh 4.

Giám đốc William Burns của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)

AFP/GETTY

"Theo thông tin của chúng tôi, Nga hiện chưa có vũ khí và đạn dược đến từ Trung Quốc", ông Skibitsky cho biết, thêm rằng Nga đang đàm phán mua vũ khí từ các nước như Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và các nước từng thuộc Liên Xô.

Còn Giám đốc William Burns của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói Mỹ tin rằng Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga, theo Đài CBS.

Ukraine tìm cách gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Belarus nói có thể huy động 1,5 triệu lính ngoài quân đội

Belarus, đồng minh Nga, cho hay có thể huy động đến 1,5 triệu người tham gia quân đội nếu cần thiết. Đây là thông tin đến từ Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus Alexander Volfovich sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko chỉ đạo thành lập lực lượng tình nguyện bảo vệ lãnh thổ.

Trong khi mệnh lệnh của Tổng thống Lukashenko là tối đa 150.000 lính tình nguyện, ông Volfovich nói rằng lực lượng dự bị có thể lên đến 1,5 triệu người vào thời điểm nước này tuyên bố tình trạng thiết quân luật.

Suốt hơn 1 năm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga luôn nhận được sự ủng hộ của Belarus. Chính quyền Tổng thống Lukashenko cho phép Nga tổ chức huấn luyện các tân binh trong đợt động viên vừa qua trên lãnh thổ nước này.

G20 không ra được tuyên bố chung vì bất đồng về vấn đề Ukraine

Tuy nhiên, lính Belarus không tham gia vào chiến sự Ukraine, và Minsk tuyên bố chỉ hành động trong trường hợp Belarus bị tấn công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.