Chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng

Như Trần
Như Trần
03/03/2022 06:30 GMT+7

Giao tranh ác liệt vẫn diễn ra tại nhiều thành phố của Ukraine trong bối cảnh Nga đang hứng chịu những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Bao vây nhiều thành phố

Bộ Quốc phòng Nga ngày 2.3 khẳng định lực lượng nước này đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine. Thị trưởng Kherson xác nhận các cảng và ga tàu của thành phố đã rơi vào tay Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó cho biết một số khu vực ở Kherson vẫn nằm trong sự kiểm soát của nước này và cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn.

Ở đông nam Ukraine, giới chức nước này ngày 2.3 nói cảng Mariupol bị bắn pháo liên tục nên không thể sơ tán người bị thương. AFP đưa tin các vụ nổ đã làm thành phố Mariupol bị mất điện và hiện Mariupol đang bị lực lượng Nga bao vây.

Khu vực gần tòa nhà của chính quyền ở trung tâm Kharkiv, Ukraine ngày 1.3

Reuters

Theo Cơ quan An ninh Ukraine, lính dù Nga sáng sớm ngày 2.3 đã đổ bộ ở Kharkiv và đụng độ dữ dội với lực lượng chính phủ. Hiện thành phố này cũng đang bị Nga bao vây.

Reuters ngày 2.3 dẫn lời Tỉnh trưởng Oleg Synegubov của tỉnh Kharkiv cho biết ít nhất 21 người thiệt mạng và 112 người bị thương do trúng pháo ở thành phố Kharkiv trong 24 giờ qua. Ông Synegubov nói Nga phóng tên lửa vào trung tâm Kharkiv, nơi có khu dân cư và tòa nhà của chính quyền. Nga chưa xác nhận thông tin trên và đã nhiều lần tuyên bố không nhắm vào mục tiêu dân sự.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga ngày 2.3 xác nhận nước này đã phá hủy cơ sở vật chất để Ukraine thực hiện chiến dịch thông tin nhắm vào Nga, bao gồm một tháp truyền hình ở thủ đô Kyiv. Bộ Nội vụ Ukraine cho biết vụ việc làm 5 người thiệt mạng và 5 người bị thương.

Xem nhanh: Diễn biến ngày thứ 7 - tròn 1 tuần chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine

Trước đó, Nga cảnh báo sẽ tấn công trụ sở Cơ quan An ninh Ukraine cùng trung tâm thông tin tại Kyiv và yêu cầu người dân ở gần sơ tán. Nhà chức trách Ukraine cho biết các vụ nổ khác do tên lửa, đạn pháo xung quanh Kyiv cũng gây ra nhiều thương vong.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 2.3 tuyên bố đến nay, nước này đã phá hủy hơn 1.500 mục tiêu quân sự của Ukraine. Reuters ngày 1.3 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Nga đã phóng hơn 400 tên lửa ở Ukraine. Tuy nhiên, đà tiến quân của Nga về thủ đô Kyiv đã chậm lại do gặp phải sự kháng cự quyết liệt của Ukraine cùng một số vấn đề hậu cần.

Cùng ngày 1.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Nga phải dừng ném bom các thành phố Ukraine trước khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn có thể bắt đầu. Ông Zelensky hôm 2.3 cũng nói gần 6.000 người Nga đã thiệt mạng trong 6 ngày qua.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời một phụ tá của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán thứ hai giữa Kyiv và Moscow sẽ diễn ra cuối ngày 2.3. Trước đó, vào hôm 28.2, hai bên đã có cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cuộc đàm phán này không đạt được đột phá lớn.

Ukraine nhận thêm nhiều hỗ trợ

Theo CNN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 2.3 tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc xoa dịu căng thẳng Ukraine. Phát biểu này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ngày 1.3. Ông Kuleba đã đề nghị Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để giúp hòa giải xung đột với Nga. Bắc Kinh cũng tỏ ý sẵn sàng làm trung gian hòa giải.

Mỹ khẳng định không 'lập vùng cấm bay' trên lãnh thổ Ukraine

Ukraine tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các nước. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 2.3 cho hay nước này sắp nhận thêm tên lửa Javelin và Stinger từ nước ngoài, cũng như lô hàng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng nói nước này sẽ cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine.

Trong khi đó, Pháp tuyên bố sẽ thực hiện một “cuộc chiến kinh tế và tài chính toàn diện” làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 1.3 cũng cho biết nhóm G7 sẽ triệu tập một lực lượng đặc nhiệm để tập trung vào việc đóng băng và tịch thu tài sản của giới tinh hoa Nga. Ngoài ra, các nước Liên minh châu Âu đang xem xét việc cấm tàu Nga vào cảng.

Đối thoại và bảo vệ người dân tại Ukraine

Ngày 2.3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn VN, phát biểu trực tuyến tại Phiên họp cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền LHQ đang diễn ra tại Thụy Sĩ. Theo ông Sơn, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động về kinh tế mà còn làm gia tăng những chia rẽ và bất bình đẳng, xóa bỏ thành tựu phát triển của thế giới nhiều năm qua. Bên cạnh đó, bạo lực và xung đột vũ trang tiếp tục nổ ra và diễn biến phức tạp, không chỉ đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển mà còn làm xói mòn khả năng phục hồi mạnh mẽ và bền vững của kinh tế thế giới. Dù vậy, ông Sơn cũng nhấn mạnh nhân loại đang có cơ hội lớn chưa từng có để định hình tương lai tốt đẹp nhờ tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông Sơn tái khẳng định mong muốn đóng góp của VN thông qua việc ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2023 - 2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người”.

Trước đó, ngày 1.3 (giờ Mỹ), tại phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng LHQ tổ chức về tình hình Ukraine tại trụ sở LHQ, VN đã lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại và bảo vệ người dân. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực VN tại LHQ, khẳng định VN bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Ukraine; kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. VN đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người VN và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân VN đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cho biết tới chiều 2.3, gần 500 người Việt tại Ukraine đã được sơ tán sang các nước lân cận. Hầu hết người dân tại Kyiv, Odessa đã được sơ tán.

Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.