Chiến sự ngày 415: Ukraine sẽ dùng mọi vũ khí không bị cấm để giành lại Crimea

15/04/2023 05:00 GMT+7

Giới chức Ukraine tuyên bố sẽ dùng mọi loại vũ khí không bị cấm để giành lại lãnh thổ, bao gồm Crimea, đồng thời cáo buộc linh kiện Trung Quốc được sử dụng trong vũ khí của Nga.

Linh kiện Trung Quốc trong vũ khí Nga?

Theo một cố vấn cấp cao tại văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lực lượng nước này đã phát hiện ngày càng nhiều linh kiện từ Trung Quốc trong vũ khí Nga sử dụng ở Ukraine, trong bối cảnh nguồn cung từ phương Tây bị siết chặt bởi các lệnh trừng phạt.

Ông Vladyslav Vlasiuk, cố vấn cho chánh văn phòng tổng thống Ukraine về chính sách trừng phạt, cho biết: "Trong số vũ khí được thu hồi từ chiến trường, chúng tôi tiếp tục tìm thấy các thiết bị điện tử khác nhau".

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 414, Ukraine mơ hồ ngày phản công, Mỹ dừng viện trợ vũ khí

"Xu hướng bây giờ là có ít linh kiện do phương Tây sản xuất hơn trước, nhưng lại có nhiều linh kiện do quốc gia này và không khó đoán đó là quốc gia nào. Tất nhiên là Trung Quốc", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 14.4.

Theo thông tin tình báo được các chuyên gia Ukraine thu thập từ chiến trường và chia sẻ với Reuters, các bộ phận do Trung Quốc sản xuất đã được tìm thấy trong hệ thống định vị của máy bay không người lái Orlan. Thiết bị này trước đây vốn sử dụng hệ thống định vị của Thụy Sĩ.

Chiến sự ngày 415: Ukraine sẽ dùng mọi vũ khí không bị cấm để giành lại Crimea - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Orlan 10 của Nga

REUTERS/BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Ông Vlasiuk cũng nêu tên 2 hai công ty Trung Quốc liên quan: Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco), một nhà sản xuất vũ khí, và Công ty Xuất nhập Khẩu Quảng Châu Tân Hưng, một nhà cung cấp trang thiết bị quân sự.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc cung cấp thiết bị quân sự cho Nga kể từ khi Moscow tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2.2022. Cuộc chiến đã kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, bao gồm việc cấm xuất khẩu công nghệ quân sự và lưỡng dụng như chip có thể được sử dụng trong các thiết bị hoặc vũ khí thông thường.

Mỹ ngưng viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tương lai gần

Khi được hỏi liệu các công ty Trung Quốc có cung cấp linh kiện cho khí tài quân sự của Nga hay không, văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters: "Trong suốt lịch sử, Trung Quốc đã tiến hành hợp tác thương mại bình thường với tất cả các nước, kể cả Nga, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Đối với việc xuất khẩu các mặt hàng quân sự, Trung Quốc luôn có thái độ thận trọng và có trách nhiệm. Lập trường và hành động của Trung Quốc luôn luôn như vậy".

Bộ Ngoại giao Nga không lập tức đưa ra bình luận.

Ukraine sẽ dùng mọi vũ khí không bị cấm để giành lại Crimea

Ukraine sẽ “thử nghiệm và sử dụng” bất kỳ vũ khí nào không bị cấm để giành lại lãnh thổ của mình, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014, theo người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Danilov.

Bình luận của ông Danilov xuất hiện giữa lúc Kyiv dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới nhằm chiếm lại các khu vực lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở phía nam và phía đông Ukraine.

Ukraine: Không có ‘ngày thần kỳ’ cho chiến dịch phản công

"Crimea là lãnh thổ của Ukraine, và chúng tôi sẽ thử nghiệm và sử dụng ở đó bất kỳ loại vũ khí nào không bị luật pháp quốc tế cấm để giải phóng lãnh thổ của chúng tôi", ông viết trên Twitter ngày 14.4, theo Reuters.

5 người chết vì tấn công tên lửa ở Sloviansk

Ít nhất 5 người thiệt mạng và 15 người bị thương trong một cuộc tấn công tên lửa ở thành phố Sloviansk, theo thống đốc tỉnh Donetsk Pavlo Kyrylenko. Ukraine cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công.

Chiến sự ngày 415: Ukraine sẽ dùng mọi vũ khí không bị cấm để giành lại Crimea - Ảnh 2.

Cảnh đổ nát ở Sloviansk sau vụ tấn công

REUTERS

Thông báo trên Telegram, ông Kyrylenko cho hay 7 người nữa vẫn ở dưới đống đổ nát sau khi tên lửa S-300 làm hư hại 5 tòa nhà chung cư và 5 ngôi nhà khác. Ông Kyrylenko cũng cho biết lực lượng cứu hộ, nhân viên y tế và cảnh sát đang làm việc tại hiện trường.

Sloviansk là một trong những thành phố ở miền đông Ukraine mà các lực lượng Nga muốn giành quyền kiểm soát. Moscow chưa lập tức bình luận về cáo buộc mới nhất của Kyiv.

Đức cho phép Ba Lan gửi chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine

Cùng ngày, báo cáo tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Ukraine đã buộc phải "rút quân có trật tự" khỏi các vị trí mà lực lượng này đã cố thủ ở thành phố Bakhmut do pháo kích dữ dội từ lực lượng Nga.

"Nga đã tăng cường tấn công vào thành phố Bakhmut của tỉnh Donetsk sau khi các lực lượng của Bộ Quốc phỏng Nga và nhóm Wagner đã cải thiện sự hợp tác", báo cáo cho biết.

Đức chấp thuận cho Ba Lan gửi chiến đấu cơ sang Ukraine

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Đức ngày 13.4 cho biết nước này đã chấp thuận yêu cầu của Ba Lan về việc chuyển giao 5 máy bay chiến đấu MiG-29 cũ cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết yêu cầu đã được Warsaw gửi đến Berlin hôm 13.4 và nhận được sự chấp thuận cùng ngày.

Sau khi Đức tái thống nhất vào năm 1990, Berlin đã được thừa hưởng 24 máy bay phản lực MiG-29 từ Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Vào thời điểm đó, loại máy bay này được coi là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới.

Na Uy trục xuất 15 ‘điệp viên’ Nga

Berlin đã chuyển giao 22 chiếc chiến đấu cơ MiG-29 cho Ba Lan. Trong 2 chiếc MiG-29 còn lại, một chiếc đã bị phá hủy trong một vụ tai nạn và một chiếc đang được trưng bày tại viện bảo tàng. Do đó, Ba Lan cần sự đồng ý của Đức để chuyển giao các máy bay MiG-29 đến một nước thứ ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.