Tổng thư ký NATO lần đầu đến Kyiv
Ngày 20.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lần đầu đến thăm Kyiv kể từ xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ hồi tháng 2.2022.
"Hãy để tôi nói rõ: Vị trí hợp lý của Ukraine là trong gia đình châu Âu - Đại Tây Dương. Vị trí hợp lý của Ukraine là ở trong NATO. Và theo thời gian, sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp quý vị biến điều này thành hiện thực", ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv, theo Reuters.
Tổng thư ký NATO cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine về quân sự, nói rằng cho đến nay, các đồng minh NATO đã huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine và chỉ riêng viện trợ quân sự đã lên đến 65 tỉ euro.
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 420, Ukraine nói phản công đang diễn ra; Mỹ lo sản xuất tên lửa không kịp
Trong khi đó, ông Zelensky cho rằng NATO cần mời Ukraine trở thành thành viên và đưa ra khung thời gian cho việc gia nhập. Theo nhà lãnh đạo, hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, Lithuania, vào tháng 7 có thể trở thành "lịch sử" và ông đã được mời tham dự.
"Không có một rào cản khách quan nào đối với quyết định chính trị mời Ukraine gia nhập liên minh và giờ đây, khi hầu hết người dân ở các quốc gia NATO và phần lớn người dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập NATO, đã đến lúc đưa ra các quyết định tương ứng", ông nói trong cuộc họp báo chung.
Đan Mạch, Hà Lan sẽ gửi xe tăng cho Ukraine
Reuters đưa tin Đan Mạch và Hà Lan ngày 20.4 cho biết 2 nước này sẽ cùng gửi 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Các xe tăng Leopard 2A4 được mua từ bên thứ ba và sẽ được tân trang lại. Số xe tăng này dự kiến được giao vào quý 1/2024, hai nước cho biết trong một tuyên bố chung.
Gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ cho Ukraine không có nhiều đạn dược?
"Điều vô cùng quan trọng đối với hy vọng về một châu Âu hòa bình và an toàn là chúng ta không để người Ukraine chiến đấu một mình", quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen nói.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19.4 đã công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine để giúp quân đội nước này. Gói hỗ trợ mới bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa tiên tiến và mìn chống tăng.
Hungary mở rộng lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Ukraine
Hungary đã cấm nhập khẩu mật ong và một số sản phẩm thịt bên cạnh ngũ cốc từ Ukraine cho đến ngày 30.6, theo một quan chức cấp cao trong chính phủ Hungary. Động thái này làm gia tăng áp lực lên Ủy ban châu Âu (EC) trong bối cảnh 3 nước Đông Âu khác đã đơn phương áp đặt các lệnh cấm tương tự.
Ngân hàng Trung ương Nga: Lệnh cấm vận phương Tây gây khó khăn hơn mọi dự báo
Theo Reuters, ông Gergely Gulyás, Chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ngày 20.4 cho biết lệnh cấm nhập khẩu mà nước này áp đặt với Ukraine “bao gồm tổng cộng 25 sản phẩm, trong đó quan trọng nhất là ngũ cốc, hạt cải dầu và hạt hướng dương, bột mì, dầu, mật ong và một số sản phẩm thịt”.
EC hôm 19.4 cho biết họ sẽ thực hiện “các biện pháp phòng ngừa” khẩn cấp đối với việc nhập khẩu miễn thuế lúa mì, ngô, hạt hướng dương và hạt cải dầu của Ukraine, sau khi Ba Lan, Hungary, Bulgaria và Slovakia hành động để bảo vệ ngành nông nghiệp nội địa. Nông sản giá rẻ của Ukraine mắc kẹt ở các nước này đã khiến hàng hóa tương tự trong nước rớt giá, khiến nông dân bất bình.
Hungary và Ba Lan cho rằng các sản phẩm khác cũng nên được đưa vào lệnh cấm. Trong thư của lãnh đạo các nước Đông Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết Brussels sẽ điều tra tình hình liên quan đến “các sản phẩm nhạy cảm” khác theo yêu cầu từ Ba Lan, quốc gia cũng đã cấm nhập khẩu thịt từ Ukraine.
Cuộc chiến của Mỹ để cắt dòng chảy chip xử lý đến Nga
Mỹ và đồng minh cân nhắc "cấm gần như toàn bộ" xuất khẩu sang Nga
Mỹ và các đối tác khác của Ukraine đang xem xét việc cấm xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang Nga nhằm tăng áp lực kinh tế lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo tường thuật của Bloomberg ngày 20.4.
Theo đó, các cuộc thảo luận đang được tiến hành trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 5 ở Nhật Bản. Một số người dự đoán các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ có hành động tương tự một khi lệnh cấm như vậy được G7 thông qua. Khi đó, chỉ có một số lượng hạn chế hàng hóa vẫn có thể được giao dịch.
Trước đó trong ngày, tờ Financial Times dẫn lời các quan chức EU cho biết liên minh sẽ không thông qua gói trừng phạt mới nào với Nga trong tương lai gần.
Chớp sáng bí ẩn khiến Kyiv báo động phòng không, NASA bác lý do vệ tinh rơi
Vulhedar hứng một loạt cuộc tấn công
Theo CNN, Nga đã thực hiện 30 cuộc tấn công vào thị trấn Vulhedar ở miền đông Ukraine, giữa lúc giao tranh ở khu vực Donetsk leo thang khốc liệt. Tỉnh trưởng Pavlo Kyrylenko của Donetsk ngày 20.4 cho biết một người đã thiệt mạng tại thị trấn Kostiantynivka.
Ông Kyrylenko nói 2 tòa nhà 2 tầng, 8 ngôi nhà, 8 ô tô và một trường học ở Viroliubivka đã bị hư hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo kích của Nga. Hai ngôi nhà bị hư hại ở thị trấn Toretsk. Các cộng đồng ở ngoại ô Chasiv Yar và Soledar cũng bị bắn phá.
Con số thương vong do các cuộc tấn công ở Vulhedar hiện chưa được xác định. Chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở Novoukrainka, nơi cũng bị tấn công, ông Kyrylenko nói thêm. Nga chưa lập tức bình luận về các thông tin này.
Lính Ukraine phải gọi FaceTime sĩ quan phương Tây để học cách dùng vũ khí?
Bình luận (0)