Chiến sự ngày 468: Nga nói Ukraine tổn thất lớn; xôn xao vụ vỡ đập

Khánh An
Khánh An
07/06/2023 05:26 GMT+7

Nga có động thái bất thường khi công bố tổn thất của cả 2 phía và cho rằng Ukraine đã phản công lớn trong 3 ngày, trong khi Kyiv bác bỏ.

Chiến sự ngày 468: Nga nói Ukraine tổn thất lớn; xôn xao vụ vỡ đập - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 2 bên đều chịu tổn thất trong 3 ngày phản công của Ukraine

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TASS

Hãng Reuters ngày 6.6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay lực lượng nước này đã ngăn chặn 3 ngày đầu tiên trong đợt phản công của Ukraine và khiến đối phương tổn thất nặng, dù Kyiv bác bỏ.

Ông Shoigu đưa ra phát biểu trong một thông cáo chi tiết một cách bất thường khi đề cập tổn thất của cả 2 bên. Ukraine vẫn chưa nói rõ liệu đợt phản công lớn đã bắt đầu hay chưa.

Nga gây tranh cãi với video phá hủy "xe tăng Leopard" do phương Tây cung cấp cho Ukraine

"Trong 3 ngày qua, Ukraine triển khai đợt phản công đã hứa từ lâu tại nhiều khu vực tiền tuyến. Nỗ lực tấn công đã bị ngăn chặn. Đối phương đã không đạt được các mục đích, nhưng chịu tổn thất đáng kể và không thể so sánh", theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga.

Ông cho biết rằng trong 3 ngày qua, Ukraine đã tổn thất 3.715 người, 52 xe tăng và 207 xe bọc thép. Trong thời gian đó, phía Nga có 71 binh sĩ thiệt mạng và 210 người bị thương, bên cạnh tổn thất 15 xe tăng và 9 xe bọc thép, theo ông Shoigu.

Ukraine bác bỏ các thông cáo của phía Nga, khi cho rằng đó là "lời nói dối", nhưng không nêu chi tiết về các vụ tấn công hay kết quả.

Tranh cãi vụ vỡ đập

Rạng sáng 6.6, những đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đập thủy điện Nova Kakhovka tại tỉnh Kherson, miền nam Ukraine đã bị phá hủy một phần và nước cuồn cuộn chảy qua. Chính quyền do Nga dựng lên tại khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau vụ việc, theo Reuters.

Dân thường Ukraine sơ tán sau khi đập Nova Kakhovka bị phá

Phía Nga cáo buộc binh sĩ Ukraine đã phóng rốc két từ hệ thống Olkha vào cơ sở phát điện vào lúc bình minh ngày 6.6, phá hủy một phần con đập, theo TASS.

Trong khi đó, Cố vấn Mykhaylo Podolyak của Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc lực lượng Nga đã cho nổ con đập nhằm gây cản trở các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine.

Theo AFP, dẫn lời ông Vladimir Leontyev, thị trưởng do Nga dựng lên tại thành phố Nova Kakhovka nơi có con đập, cho biết thành phố đã bị ngập và 900 người được sơ tán. Ngoài ra, có 24 ngôi làng bị ảnh hưởng và 17.000 người đã được sơ tán.

Xem thêm: Vỡ đập thủy điện tại Kherson, tình trạng khẩn cấp được ban bố

Đến tối 6.6, TASS dẫn lời ông Vladimir Rogov, lãnh đạo một tổ chức ủng hộ Nga, cho rằng Ukraine gây sự cố tại con đập nhằm khiến đối phương mất tập trung vào đợt phản công chính ở vùng Zaporizhzhia. Kyiv chưa bình luận về thông tin này.

Tờ Ukrainska Pravda dẫn lời lãnh đạo Ihor Syrota của Công ty điện lực Ukrhydroenergo của Ukraine cho biết nước này sẽ xây lại một nhà máy điện tại con đập trong tương lai, sau khi giành lại kiểm soát khu vực này từ phía Nga.

Tổng tham mưu trưởng Mỹ Mark Milley: Ukraine đang ‘chuẩn bị tốt’ cho phản công

Theo The Kyiv Independent dẫn thông tin từ dịch vụ theo dõi dữ liệu thị trường cho thấy giá lúa mì tăng 3% sau vụ vỡ đập thủy điện. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và cung cấp nhiều ngũ cốc cho châu Phi và Trung Đông.

Belarus không vào được HĐBA LHQ

Theo Reuters, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu 5 nước vào Hội đồng Bảo an, gồm Algeria, Guyana, Sierra Leone, Slovenia và Hàn Quốc, giữ nhiệm kỳ 2 năm từ ngày 1.1.2024.

Trong khi đó, đồng minh của Nga là Belarus bị từ chối trong cuộc bầu cử các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, gồm tổng cộng 15 thành viên với nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Algeria, Guyana, Sierra Leone và Hàn Quốc được bầu mà không có đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, Belarus đã không cạnh tranh lại Slovenia cho vị trí thứ 5. Các thành viên mới sẽ thay thế Albania, Brazil, Gabon, Ghana và UAE.

Đặc phái viên Trung Quốc: Cánh cửa đối thoại giải quyết xung đột Nga-Ukraine chưa đóng

Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hiệp Quốc có các quyết định mang tính ràng buộc như đưa ra các lệnh trừng phạt và ủy quyền dùng vũ lực. Hội đồng này có 5 thành viên thường trực là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.

Nhằm đảm bảo đại diện địa lý, các ghế được trao cho các nhóm theo khu vực. Nhưng ngay cả một ứng viên không bị cạnh tranh trong nội bộ nhóm thì vẫn cần sự ủng hộ của 2/3 Đại hội đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.