Chiến sự Ukraine làm lộ điểm yếu của một loại vũ khí hiện đại

Khánh An
Khánh An
22/06/2022 17:44 GMT+7

Hiệu quả của UAV và những tên lửa vác vai ở Ukraine đang làm dấy lên nghi ngờ về vai trò của những vũ khí hạng nặng như trực thăng quân sự trong tương lai.

Xác một chiến trực thăng tại Ukraine trong chiến dịch quân sự của Nga

afp

Thay vì triển khai nhanh và sớm đạt thắng lợi như Nga trông đợi, chiến dịch quân sự ở Ukraine đã kéo dài gần 4 tháng và 2 bên thiệt hại hàng ngàn binh sĩ và hàng trăm máy bay, xe quân sự, theo thông tin được hai bên đưa ra.

Thiệt hại gây ra bởi máy bay không người lái (UAV) và những vũ khí hạng nhẹ đang làm dấy lên tranh cãi về điểm yếu của những vũ khí hạng nặng trong chiến sự ngày nay, bao gồm trực thăng vốn là một phần căn bản của quân đội nhiều nước.

Vì sao trực thăng kém tác dụng trên chiến trường Ukraine?

Kết thúc một thời kỳ?

Trong bài xã luận mới đây trên Aviation Week, chuyên gia phân tích quốc phòng và không gian Sash Tusa cho rằng tiến bộ công nghệ trong cảm biến và những vũ khí chống máy bay được trưng bày ở Ukraine là bằng chứng cho thấy các cuộc không kích và chiến đấu bằng trực thăng đang ngày càng kém hiệu quả.

Trong những giờ đầu của chiến dịch, lực lượng lính dù Nga tìm cách kiểm soát sân bay Hostomel gần Kyiv bằng không kích. Hàng chục trực thăng vận tải Mi-8 được các trực thăng tấn công Ka-52 hộ tống đã đưa lực lượng lính dù tấn công đến đây.

Một trực thăng tấn công Ka-52 của Nga tại thị trấn Popasna thuộc vùng Luhansk ở miền đông Ukraine vào ngày 2.6

reuters

Tuy nhiên, kế hoạch của Nga sau cùng đã thất bại, do quân đội Nga không củng cố được lực lượng tại đây, trong khi Ukraine phản kháng mạnh mẽ.

Theo ông Tusa, thất bại trên là một bất ngờ lớn đối với nhiều nhà quan sát quân sự. Khi đó, Ukraine đã dùng pháo và các tên lửa phòng không vác vai ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm củng cố lực lượng tại Hostomel, cũng như răn đe các chiến dịch trực thăng của Nga trong suốt thời gian qua của chiến sự.

Binh thuyết tấn công đường không của Mỹ, điều mà Lầu Năm Góc muốn các lực lượng đối tác như quân đội Afghanistan và Ukraine thấm nhuần, dựa trên sự vượt trội về công nghệ và số lượng của các hệ thống vũ khí hiện đại.

Các đơn vị truyền thống và chiến dịch đặc biệt của Mỹ vốn quen với chiến dịch kèm lợi thế trên không. Nhưng giới phân tích cho rằng điều đó có thể không đúng với mọi lực lượng.

Cuộc chiến trực thăng

Trong chiến sự tại Ukraine, các máy bay cánh cố định và trực thăng luôn đối diện nhiều mối đe dọa. Các hệ thống vũ khí phòng không tầm trung và xa như S-200, S-300, S-400 khiến các máy bay của cả 2 bên luôn gặp nguy hiểm khi bay cao.

Trong khi đó, những hệ thống phòng không vác vai đang khiến những chuyến bay ở độ cao dưới 3.000 m gặp nguy hiểm. Lực lượng Ukraine thậm chí từng dùng những tên lửa chống tăng để bắn những trực thăng của Nga bay thấp.

Có thông tin cho rằng phía Nga đã mất gần 200 trực thăng, còn Ukraine cũng mất nhiều trực thăng nhưng chưa rõ con số cụ thể.

"Giải mật" chiến dịch tiếp tế bằng trực thăng của Ukraine ở Mariupol

Phần lớn các chiến dịch trực thăng ở Ukraine diễn ra vào ban ngày. Không bên nào có năng lực bay đêm như của quân đội Mỹ, nên họ đối diện nguy hiểm của việc bay ban ngày. Bên cạnh đó, không bên nào có năng lực đối phó đủ để giúp các máy bay của họ ngăn chặn những mối đe dọa.

“Họ không có những thiết bị sống còn hiện đại cho máy bay hay những công nghệ và biện pháp đối phó trong chiến tranh điện tử”, theo cựu sĩ quan quân đội Mỹ Greg Coker.

Ông Coker từng là phi công lái trực thăng AH-6 Little Bird và đã phục vụ 30 năm trong quân đội Mỹ, hoàn tất 11 sứ mệnh điều động chiến đấu với trung đoàn không vận đặc nhiệm số 160, đơn vị có biệt danh Night Stalkers.

Các trực thăng của quân đội Mỹ có thiết bị đặc biệt như công nghệ chủ động, bị động, khả năng phát hiện tên lửa hồng ngoại như SA-7 và SA-14 của Liên Xô và các tên lửa phòng không đang bắn hạ các trực thăng ở Ukraine ngày nay.

Nhưng giới phân tích quân sự luôn cho rằng công nghệ sẽ thất bại và các phi công cần chuẩn bị tránh hỏa lực phòng không bằng cách lợi dụng tốc độ và địa hình. “Họ không dùng địa hình để tự vệ. Bạn phải bay thấp và nhanh, liên tục đổi hướng”, theo ông Coker.

Một vấn đề khác là những hệ thống vũ khí vác vai đang sử dụng tại Ukraine như FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất, từng gây thiệt hại lớn cho Liên Xô tại Afghanistan vào thập niên 1980, tỏ ra rất hiệu quả.

Thiếu năng lực bay đêm, các phi công Nga và Ukraine có thể sử dụng nhiều chiến thuật, kỹ thuật và quy trình nhằm tăng cường khả năng sống sót.

“Họ nên sử dụng các địa hình có sẵn hoặc đạt độ cao ngoài tầm bắn của các hệ thống đang bắn hạ họ, có lẽ là 1.500 m”, theo ông Coker. Chuyên gia này còn nói thêm rằng cần có sự phối hợp hỏa lực hỗ trợ tốt hơn từ mặt đất, và chỉ sử dụng trực thăng khi cần thiết.

Giao tranh ở Severodonetsk báo hiệu một giai đoạn mới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.