Theo báo cáo, "Nga tiến vào Toretsk, Peschanoye, Vozdvizhenka, Baranovka, Solenoy, Slavyanka, Petropavlovka, Novoelizavetovka và Kurakhove".
Theo TASS dẫn dữ liệu mới nhất về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 9.1, lực lượng Nga đã tấn công vào lực lượng và thiết bị quân sự tập trung của Ukraine tại hơn 160 khu vực trong ngày qua. Quân đội Nga cũng cho hay Ukraine đã mất khoảng 1.500 binh sĩ trong các trận giao tranh với lực lượng Nga vào ngày qua. Ukraine chưa bình luận thông tin này.
Điểm xung đột: Trung tâm hậu cần Ukraine bị đe dọa; Triều Tiên rèn quân nhờ Nga?
Kho dầu chiến lược của Nga cháy hơn 24 giờ sau khi bị tấn công
Theo Reuters, giới chức Nga đang tìm mọi cách dập tắt đám cháy kéo dài hơn 24 giờ tại một kho dầu ở vùng Saratov sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine. Thống đốc Saratov Roman Busargin cho biết các dịch vụ khẩn cấp vẫn tiếp tục làm việc suốt ngày đêm để giải quyết hậu quả từ cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào một cơ sở lưu trữ dầu tại địa phương.
"Cần có một khoảng thời gian nhất định để hoàn tất quá trình dập lửa. Tình hình đang được kiểm soát", theo ông Busargin. Lãnh đạo Saratov nói thêm, một cuộc họp khẩn cấp đã được tiến hành tại thành phố Engels để thảo luận về hậu quả sau vụ tấn công. Ông Busargin đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố Engels, đồng thời cho biết 2 lính cứu hỏa thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga đã thiệt mạng trong quá trình làm nhiệm vụ.
Trước đó, Thống đốc Busargin hôm 8.1 tuyên bố các UAV của Ukraine đã bị lực lượng Nga bắn hạ tại thành phố Engels, và những mảnh vỡ rơi xuống đã gây ra hỏa hoạn tại một trong những cơ sở công nghiệp của thành phố.
Sau đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đánh giá cuộc tấn công đã gây ra hỏa hoạn lớn tại nhà máy Kristall. Phía Ukraine nhận định việc phá hủy nhà máy Kristall sẽ "tạo ra các vấn đề hậu cần nghiêm trọng đối với lực lượng hàng không chiến lược của Nga, và làm giảm đáng kể khả năng tấn công vào các thành phố ở Ukraine".
Ông Zelensky gợi ý phương Tây đưa quân tới Ukraine
Trong bài phát biểu tại cuộc họp của nhóm liên lạc về Ukraine khuôn khổ Ramstein ở Đức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục gợi ý phương Tây đưa quân tới Ukraine, đồng thời cho rằng đây là một trong những cách tốt nhất để buộc Nga phải đàm phán hòa bình.
"Năm ngoái, Pháp đã đề xuất ý tưởng triển khai quân đội các đối tác tại Ukraine. Nếu mục tiêu của chúng ta là tìm kiếm càng nhiều công cụ càng tốt để buộc Nga phải chấm dứt xung đột, tôi cho rằng việc triển khai quân đội đối tác là một trong những công cụ tốt nhất", ông Zelensky phát biểu.
Chiến lược lập lữ đoàn mới của Ukraine bị đánh giá là thất bại
Theo lời ông Zelensky, các đại diện của Anh cũng đã ủng hộ việc triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraine. Tuy nhiên, ông không nêu tên cụ thể các cá nhân hay chức danh. Trước đó, Reuters dẫn nguồn từ một quan chức châu Âu giấu tên cho biết, trong Liên minh châu Âu (EU) không có sự đồng thuận về việc gửi quân đội nước ngoài tới Ukraine sau khi kết thúc xung đột.
Tại cuộc họp ở Đức, Tổng thống Zelensky cũng cho hay nước này đang đàm phán với Mỹ để xin giấy phép sản xuất hệ thống phòng không và tên lửa trên lãnh thổ của mình. Ông Zelensky nói rằng việc cấp phép sản xuất hệ thống phòng không của Mỹ tại Ukraine có thể là một phần quan trọng trong các đảm bảo an ninh cho đất nước của ông, và điều này "hoàn toàn có thể thực hiện được".
Theo The Kyiv Independent, cũng tại cuộc họp nêu trên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố thêm khoản hỗ trợ trị giá 500 triệu USD cho Kyiv, bao gồm tên lửa, nhiều đạn dược, đạn không đối đất và các thiết bị khác để hỗ trợ chiến đấu cơ F-16 của Ukraine. Ông Austin cũng nhấn mạnh cuộc chiến của Ukraine "có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta".
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nền kinh tế Nga trong tuần này, như một phần trong các biện pháp nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức, theo Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 9.1.
Trong một diễn biến khác, nhà ngoại giao hàng đầu EU Kaja Kallas ngày 9.1 lên tiếng về tương lai của những nỗ lực hỗ trợ Ukraine. "Tôi thực sự chắc chắn rằng tất cả các thành viên khác, và hy vọng là cả Mỹ, đều sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Ukraine", theo Hãng AFP dẫn lời bà Kallas phát biểu tại cuộc họp của các nước ủng hộ Ukraine tại Đức.
Bà Kallas nói thêm rằng: "EU cũng sẵn sàng tiếp quản vị trí lãnh đạo này nếu Mỹ không muốn làm như vậy". Nhà ngoại giao EU nhấn mạnh rằng Mỹ có những lợi ích đáng kể ở châu Âu và "không có lợi cho Mỹ khi Nga trở thành thế lực mạnh nhất trên thế giới". "Vì vậy, tôi chắc chắn rằng khi lãnh đạo mới nhậm chức, họ cũng có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn", bà Kallas chia sẻ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20.1.
Bình luận (0)